Tác giả: NGUYỄN THỤY KHA
Một người già ngoài tuổi bát tuần có thú nghe nhạc giao hưởng từ thời trẻ tâm sự với tôi rằng: “Bây giờ đi nghe nhạc giao hưởng vui thật, các nam thanh, nữ tú tha hồ thoải mái thời trang, đi lại cười nói tự nhiên. Chả bù cho ngày xưa, vào nghe nhạc giao hưởng thì người trẻ cũng tự nhiên nghiêm trang, đạo mạo như ông già”. Tâm sự này vừa thật lại vừa đúng. Đó là một đánh giá nhẹ nhàng về thực trạng đến với nhạc giao hưởng của người Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua.
Hình như từ thời Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mới thành lập đến hết chiến tranh chống Mỹ, khi ấy cả miền Bắc sống trong nghèo nàn, thắt lưng buộc bụng, nhưng mọi người đều luôn có cách sống hướng về cái cao cả. Nhạc giao hưởng là một thứ âm nhạc cao siêu chứa đựng cái cao cả đó, ai có thể thưởng thứcđược nó thì đều có niềm tự hào nho nhỏ về trình độ thẩm mỹ của mình nhỉnh hơn so với bạn đồng lứa. Có khi tỏ ra biết thưởng thức cũng chỉ là cái “mốt thời đại” không xuất phát tự đáy lòng thực sự say mê nghệ thuật, nhưng cái mốt ấy vẫn thúc dục người ta ngấm ngầm đua chen nhau tới chốn “thánh đường âm nhạc” này. Có biết bao người thực lòng say mê như bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng bao người thích nhạc giao hưởng theo thời thượng đã vì sự sống đẹp lên đường ra chiến trường và đã vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân của mình với thú nghe nhạc giao hưởng cùng khát vọng nơi rừng thiêng nước lạnh, nơi bom đạn cày sới.
Nhạc trưởng: Lê Phi Phi
Sau ngày thống nhất đất nước, do bị ngộ nhận, người mến mộ âm nhạc nghĩ rằng nhạc giao hưởng là nhạc “mũ cao áo dài” đã lỗi thời, nhạc điện tử pop, rock mới là nhạc thời đại, trẻ trung và sôi động. Phong trào nghe nhạc giao hưởng ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội đã teo tép lại đến thảm hại. Ngay sự tồn tại của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng nhiều lần được các nhà lãnh đạo đặt trước câu hỏi: “Tồn tại hay là không tồn tại?”. May thay, sau khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi Chopin quốc tế mùa thu 1980, câu hỏi ấy hình như đã được đặt lại: “Tồn tại như thế nào?” và thế là có một lứa bạn học cùng Đặng Thái Sơn sau khi tốt nghiệp ở Nga về đã trở thành những diễn viên nòng cốt phục sinh lại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ khoảng giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước và đến thập kỷ 90 thì sự phục sinh ấy đã thật sự có sức sống và có những bước phát triển đáng mừng như hôm nay.
Từ khi phong trào nghe nhạc giao hưởng được khởi động lại ở Hà Nội, thì người thưởng thức đã mang một tâm thức muốn “bình dân hóa” khi đi nghe thứ “nhạc kinh viện” này, thể hiện qua thời trang, cách ngồi thưởng thức không quá trang nghiêm. Song quan trọng hơn, dần dà họ đã biết vỗ tay đúng lúc sau khi toàn bộ tác phẩm đã được trình tấu, thay vì cho việc vỗ tay ngay sau mỗi chương nhạc. Đó là phần mềm và phần cứng của thú nghe nhạc giao hưởng hôm nay ở Hà Nội. Điều đáng mừng hơn là gần đây, nhất là từ khi có chương trình “Hòa nhạc Toyota xuyên Việt” thì số thính giả thiếu nhi nghe giao hưởng có vẻ nhiều hơn so với trước đó.
Nhờ sự khởi động của chương trình “Hòa nhạc Toyota xuyên Việt” mà người thưởng thức thấy gần gũi hơn với dòng nhạc bác học này. Trẻ con cũng có thể bước lên bục chỉ huy để vung tay khiến dàn nhạc phải tấu lên những giai điệu kỳ diệu của Beethoven, J.Strauss, … Bởi vậy, qua mấy năm gần đây, số nam thanh, nữ tú cùng thiếu nhi đã xuất hiện nhiều hơn trong những đêm nghe trình tấu giao hưởng.
Đỗ Phương Nhi
Năm nay, chương trình “Hòa nhạc Toyota Xuyên Việt” lại không mời ca sĩ cùng tham gia như hai năm trước mà lại quay về như chương trình đầu tiên. Chỉ có khác, nghệ sĩ độc tấu vĩ cầm không phải là một nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng mà là một tài năng trẻ Việt Nam đang ở độ tuổi thiếu niên. Đó là em Đỗ Phương Nhi mới ở tuổi 13 (sinh 16.11.1998). Ngay từ khi lên 4 tuổi Phương Nhi đã học chơi vĩ cầm với giáo sư NSUT Ngô Văn Thành. Bằng niềm say mê đặc biệt với nhạc giao hưởng, năm 11 tuổi, Phương Nhi đã biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam bản Concerto cung Mi thứ của F.Mendelssohn, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Sự xuất hiện của nghệ sĩ “nhí” Đỗ Phương Nhi chắc chắn sẽ có hiệu quả thu hút những “fans” hâm mộ đồng trang lứa, thêm một bước cải thiện thú nghe nhạc giao hưởng hôm nay của người Thủ đô mà hiệu quả nhận được rõ rệt từ chương trình “Hòa nhạc Toyota xuyên Việt”.
No comments:
Post a Comment