Thứ hai, 27/6/2011, 09:51
Trải qua hơn nửa thế kỷ, những cung nữ từng hầu hạ trong hoàng cung dần khuất núi. Nhân chứng cuối cùng về cuộc sống nơi cung cấm của cung nữ là bà Trần Thị Vui, hiện sống ở đường Chi Lăng, thành phố Huế.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, những cung nữ từng hầu hạ trong hoàng cung dần khuất núi. Nhân chứng cuối cùng về cuộc sống nơi cung cấm của cung nữ là bà Trần Thị Vui, hiện sống ở đường Chi Lăng, thành phố Huế.
>Những thái giám trong hậu cung triều Nguyễn/ Người phụ nữ may gối cho vua Bảo Đại/ Nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn
Ở tuổi 84 bà Vui vẫn khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn. Khẽ vấn mái tóc bạc, giọng bà Vui chầm chậm, ánh mắt xa xăm như hoài niệm về quá khứ: “Mới đó mà đã gần 70 năm ròng, ngày đó vào cung tôi mới tròn 16…”.
Là con cháu Hoàng tộc, mẹ bà là cung nữ Tôn Nữ Thị Biên thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần, đời thứ 5, bà Vui được vào phục vụ trong Hoàng cung.Ngày mới vào, như bao cung nữ khác, bà phải học những quy tắc khắt khe của chốn cung đình như dạy ăn nói, đi lại cho đúng với lễ nghi trong cung cấm; học cách biết giữ chuyện, mỗi cung nữ phục vụ ở cung nào thì lo bổn phận ở cung đó. Thời vua Bảo Đại, không còn lệ tuyển cung nữ, chủ yếu người vào cung là do quen biết, làm cung nữ và hưởng lương.
Bà Trần Thị Vui, người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn. Ảnh: Văn Nguyễn. |
“Nghe mẹ tôi kể lại, từ thời vua Khải Định về trước, cung nữ được tuyển vào cung vô cùng khắt khe. Cung nữ có hai loại danh phận. Thứ nhất là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai đơn giản hơn là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp…”, bà Vui kể.
Theo bà Vui, cuộc sống của nhiều cung nữ thời vua Bảo Đại rất êm thấm. Người ở cung này thì không được sang cung khác nhòm ngó. Họ chỉ biết làm việc, không được cười đùa nói chuyện với cung nữ khác, không được nhìn trực diện vào Hoàng thái hậu, Vua, Hoàng hậu và các quan đại thần, nếu nhìn chỉ được phép nhìn sau lưng.
Các cung nữ không ăn cơm, vệ sinh trong cung, khi có người trực thay thì về nhà ăn cơm rồi phải vào cung làm tiếp công việc. Mỗi tháng cung nữ được trả 3 đồng bạc.
Khi vào cung, bà Vui đảm nhận việc quạt, bóp chân, vấn tóc, dâng khăn, dâng nước, bê tráp trầu cho bà Từ Cung, nhờ đó bà biết được tính cách của mẹ vua Bảo Đại. Bà kể: “Hoàng thái hậu rất hiền, các quan lại đến chơi bà nói chuyện rất nhẹ nhàng. Bà hầu như chỉ ở trong cung Diên Thọ chứ rất ít khi ra ngoài”.
Trong các bữa, bà Từ Cung ăn rất ít và chỉ ăn một mình, thức ăn do sở Thiện nấu. Cơm được nấu trong nồi đất nhỏ còn gọi là nồi ngọc phạn, mỗi đĩa thức ăn có 3 tầng. Mâm của bà rất nhiều món từ cá, thịt bò, tôm rim, rau... nhưng bà chỉ ăn một ít rồi cho người bê xuống.
Bà Từ Cung theo Phật giáo nên thi thoảng ăn chay. Bà ngủ rất muộn, tầm 22-23h tối. Lúc ngủ luôn có 2 cung nữ đi theo để quạt và bóp chân, ai biết ca Nam ai Nam bằng (một loại hình dân ca Huế) thì ca cho bà nghe, ai không biết thì thôi. Khi bà Từ Cung ngủ thì các cung nữ ngủ ngồi dưới chân bà, thay phiên nhau cho đến sáng.
Bà Vui miêu tả lại cách ăn uống của bà Từ Cung. Ảnh: Văn Nguyễn |
Bà Vui kể, ngày đó, mỗi lần vua Bảo Đại đi săn ở Đà Lạt, hay dùng xe hơi đi chơi đâu đó là bà Từ Cung lại bồn chồn lo lắng. Khi vua đi săn rồi bị bắn trọng thương ở đùi do tán tỉnh vợ một ông bạn người Pháp trong một bữa tiệc tại Đà Lạt, bà Từ Cung đã nhiều đêm mất ngủ, viết thư hỏi thăm con.
“Thế nhưng khi vua về, trong cung chỉ dám đồn là vua đi săn bị voi giẫm vào chân, đi lệch chân phải chứ hầu như không ai biết chuyện vua vì ham sắc mà bị bắn”, bà Vui tiết lộ.
Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, bà Vui rời cung, về lấy chồng, nhưng cuộc sống mới chẳng mấy suôn sẻ. Cô con gái chào đời không được bao lâu thì mất. Không còn khả năng sinh con, bà Vui chấp nhận cưới vợ hai cho chồng rồi chịu cảnh chồng chung, con riêng. Khi chồng và vợ hai qua đời, bà Vui sống với các con của chồng. “Cũng may là con cái ngoan ngoãn, biết điều nên tuổi già cũng bớt cô đơn”, bà tâm sự.
Ở Huế, người ta gọi tên vợ theo tên chồng, nên cái tên Trần Thị Vui rơi vào quên lãng, và rất ít người biết bà là cung nữ. Một lý do khác, theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, cung nữ triều Nguyễn là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít tài liệu ghi chép về họ.
"Bà Vui được xem là nhân chứng sống cho những câu chuyện của cung nữ trong bốn bức tường của Hoàng cung", ông Phan nói.
Văn Nguyễn
No comments:
Post a Comment