Trong hai ngày 1 -2/8/2011, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, NHNN phối hợp với JICA tổ chức toạ đàm về “Chính sách kinh tế vĩ mô”. Tham dự buổi Toạ đàm có ông Đỗ Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, ông Nagase Toshio – Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, Giáo sư Taisei Kaizoji - Trường Đại học Quốc tế Christian, Giáo sư Yasuhiro Maehara - Trường Đại học Hitotsubashi cùng các cán bộ của các Vụ, Cục liên quan thuộc NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Viện quản lý kinh tế Trung ương.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Đỗ Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA đối với NHNN trong quá trình đổi mới hướng tới một ngân hàng trung ương hiện đại. Chủ đề của buổi toạ đàm ngày hôm nay liên quan mật thiết đến các chính sách kinh tế vĩ mô, ý nghĩa của chính sách tiền tệ trong việc chống lạm phát tại Việt Nam, những yếu tố gây mất cân đối kinh tế vĩ mô và kinh nghiệm của Nhật Bản. Đây là các chủ đề rất thiết thực cho NHNN nói riêng và các cơ quan hoạch định chính sách nói chung tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại buổi Toạ đàm, với tư cách là diễn giả, Giáo sư Taisei Kaizoji của trường Đại học Quốc tế Christian (ICU) đã trình bày các nội dung liên quan đến vấn đề mất cân đối toàn cầu và khủng hoảng tài chính, đặc biệt là khủng hoảng nợ công tại các quốc gia tiên tiến. Giáo sư cũng phân tích những nguyên nhân và hậu quả của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 và đưa ra những dự đoán về khủng hoảng tài chính kinh tế trong tương lai do cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước tiên tiến gây ra.
Phần tiếp theo, Giáo sư Yasuhiro Maehara - Trường Đại học Hitotsubashi trình bày về vai trò của hệ thống tài chính trong việc phát triển kinh tế Nhật Bản, trong đó nêu bật các vấn đề: Tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát thấp và ổn định chính trị); Vai trò của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của các công ty lớn để đầu tư; Hoạt động hiệu quả của các định chế tài chính công.
Trong nội dung thứ ba của Toạ đàm, Giáo sư Taisei Kaizoji sẽ quay trở lại trình bày chính sách tiền tệ và tài khoá để kiềm chế lạm phát ở Việt Nam. Giáo sư đi sâu phân tích lý thuyết “bộ ba bất khả thi” và kết luận: Một quốc gia không thể vừa có dòng chảy vốn tự do, tỷ giá hối đoái cố định và chính sách tiền tệ độc lập; từ đó đánh giá mức độ tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến Việt Nam và một số nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Giáo sư Taisei Kaizoji cũng giới thiệu mô hình định lượng theo thuyết Keynes mới cho nền kinh tế, trong đó có việc xem xét về nguyên nhân của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam dựa trên kết quả định lượng và tìm ra các chính sách kinh tế để kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
Trong nội dung cuối cùng của Toạ đàm với chủ đề “Thách thức đối với hoạt động của ngân hàng Trung ương”, Giáo sư Yasuhiro Maehara nhấn mạnh đến bốn thách thức chính bao gồm: (i) Mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ (đặc biệt là vai trò của công tác thông tin tuyên truyền của ngân hàng trung ương đối với công chúng về các vấn đề như: mục tiêu chính sách tiền tệ; Chiến lược chính sách tiền tệ; Triển vọng kinh tế; Triển vọng quyết định chính sách trong tương lai); (ii) Những thách thức về chính sách tiền tệ phi truyền thống, các vấn đề cơ bản của nghiệp vụ ngân hàng trung ương; (iii) Xử lý sự mất cân đối tài chính ngày càng gia tăng; (iv) Thách thức liên quan đến khía cạnh quốc tế của chính sách tiền tệ, trong đó khẳng định: sự hợp tác toàn cầu về chính sách tiền tệ có thể không cần thiết nhưng ngân hàng trung ương cần tính đến hiệu ứng trên phạm vi quốc tế và phản hồi có thể phát sinh từ chính sách tiền tệ của quốc gia mình.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi và được các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quý báu liên quan đến việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô tại nhiều nước trên thế giới. Đó thực sự là những kiến thức, kinh nghiệm và thông tin hữu ích giúp các cán bộ của NHNN và các cơ quan hoạch định chính sách tại Việt Nam tiếp tục trao đổi, thảo luận nhằm tìm kiếm được những giải pháp phù hợp cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
SN
|
No comments:
Post a Comment