08:08 | 01/10/2011
Ngay trên sân nhà, những nhà thầu Việt Nam cũng không đủ sức cạnh tranh đối với nhà thầu quốc tế. Bên cạnh nguyên nhân trình độ năng lực chưa cao, khả năng tài chính chưa đủ mạnh, việc pháp luật quy định chưa phù hợp cũng khiến cho các nhà thầu trong nước bị thua thiệt.
Theo ước tính, 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty Trung Quốc mà phần lớn là dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất. Hiện nay, có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia vào tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án tại Việt Nam. Trong các gói thầu, dự án sử dụng vốn nước ngoài, cơ hội của các nhà thầu Việt Nam là rất nhỏ nếu không muốn nói là không có. Thậm chí, các nhà thầu Trung Quốc cũng đang chiếm ưu thế ở một số dự án xi măng, điện, khai thác bô xít… dùng vốn trong nước, vốn ngân sách.
Ông Vũ Gia Quỳnh, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, không hẳn là do năng lực của nhà thầu trong nước kém hơn nước ngoài. Không ít những nhà thầu như Licogi, Vinaconex hay Sông Đà phát triển cả về số lượng, năng lực và tài chính vẫn làm thầu phụ cho nhà thầu quốc tế có năng lực không mạnh mà thậm chí thiếu kinh nghiệm. Chính những quy định pháp lý chưa phù hợp là một trong những yếu tố cản trở khả năng cạnh tranh của nhà thầu Việt.
Theo nhiều chuyên gia, điểm chưa phù hợp chính là trong quy định hiện nay, các nhà thầu nêu tiêu chí kỹ thuật đạt 70 - 80% thì ai trả giá thấp hơn được chọn thầu, nhưng vấn đề khái niệm "trên cùng một mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại" chưa được làm rõ đã dẫn tới tình trạng một nhà thầu có điểm kỹ thuật 100%, hơn nhà thầu có điểm kỹ thuật 70% sẽ không được chọn để trả giá cao hơn. Bên cạnh đó, quy định ưu tiên lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu cao là nguyên nhân dẫn đến việc khi xây dựng các nhà thầu, chủ đầu tư không thể yêu cầu trình độ công nghệ theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Theo Trưởng Ban quản lý Đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ninh Viết Định, việc đưa ra tiêu chuẩn cũng như yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm đối với nhà thầu đòi hỏi phải có sự cân nhắc và phù hợp với hoàn cảnh khi tổ chức đấu thầu, tránh máy móc làm giảm tính cạnh tranh khi đưa ra yêu cầu quá cao hoặc ngược lại yêu cầu quá thấp sẽ lấn át làm tăng rủi ro trong thực hiện hợp đồng. Ts Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định việc pháp luật đưa ra những tiêu chí dự thầu quá cao, chỉ quốc tế mới đáp ứng được không chỉ cản đường những công ty mới, những nhân tố mới trong nước mà còn là rào cản đối với Việt Nam khiến công ty nước ngoài luôn thắng thầu. Một mặt chúng ta bảo đảm cho pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng mặt khác chúng ta cần bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu Việt Nam, ông Liêm nói.
Một số chuyên gia cho rằng, Luật Đấu thầu cần sửa đổi quy định về hồ sơ mời thầu bằng cách đưa hệ số tính điểm về xuất xứ thiết bị vào để xét thầu. Đồng thời những chính sách, quy chế định hướng lựa chọn thiết bị công nghệ nhập khẩu cũng cần được luật quy định cụ thể, đặc biệt là về cấp độ tiên tiến và hiện đại của công nghệ. Bên cạnh đó, cần tách đấu thầu tư vấn thiết kế và đấu thầu xây dựng theo hướng: thầu tư vấn thiết kế với giá rẻ nhất và đặt cọc chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm; thầu xây dựng chỉ cần giá thấp nhất, còn về chất lượng và tiến độ sẽ đúng theo hợp đồng và thiết kế của tư vấn thiết kế.
"Sở dĩ có hiện tượng các nhà thầu Việt gặp thất bại là do một số chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất xứ của vật tư, thiết bị. Vì vậy, cần điều chỉnh bổ sung đối với các gói thầu dùng vốn trong nước nhằm hạn chế hiện tượng các nhà thầu Trung Quốc đang phá giá để chiếm ưu thế" - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu, Nguyễn Quốc Hiệp góp ý.
Hương Trang
No comments:
Post a Comment