13:37 | 01/10/2011
Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi đã được cải thiện cùng với sự phát triển của đất nước. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phong phú, đa dạng. Người cao tuổi nghèo, cô đơn đã được hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thực trạng việc chăm sóc người cao tuổi từ góc độ chính sách bảo trợ xã hội vẫn còn những tồn tại.
Chỉ có hơn 20% người cao tuổi sống bằng lương hưu
Theo thống kê của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế, hiện nay người cao tuổi tại nước ta tăng nhanh về số lượng và tỷ trọng. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất là chỉ số già hóa của dân số nước ta tăng rất mạnh nên thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già theo nghiên cứu ở nước ta sẽ nhanh hơn các nước khác. Điều đáng lo ngại là phần lớn số người cao tuổi ở khu vực nông thôn không có lương hưu, phải sống dựa vào con cháu. Chỉ có hơn 20% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Trong khi đó tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất luôn gặp khó khăn do thiên tai, địch họa dẫn đến đời sống của đại bộ phận người cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn.
Đánh giá những khó khăn của người cao tuổi trong thời gian qua, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ, TB và XH Lê Tuyết Nhung cho biết, mặc dù đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từng bước được mở rộng, mức trợ cấp xã hội ngày càng tăng, mức sống của người cao tuổi đã từng bước được cải thiện (mức trợ cấp xã hội được điều chỉnh 4 lần từ 45.000đ/tháng, năm 2000 đã tăng lên thành 180.000đ/tháng, năm 2010), nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nào nhu cầu tối thiểu sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Còn về đời sống tinh thần của người cao tuổi, theo nhận định của Phó ban Đối ngoại, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Tuyết Nhung, chỉ 20% cảm thấy thoải mái về tinh thần, ngoài ra khoảng 95% người cao tuổi chịu gánh nặng về bệnh tật kép, chủ yếu là mãn tính.
Thực tế cho thấy, mức độ bao phủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi vẫn còn hạn chế, chưa bao quát được hết các nhóm người cao tuổi gặp khó khăn, những người cao tuổi sống dưới mức chuẩn nghèo. Nguyên nhân là do tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội còn bó hẹp, chính sách quy định những người được trợ giúp là những đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiếp theo, có nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chính sách xã hội chưa với tới vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là thiếu nguồn ngân sách thực hiện.
Xây dựng đề án phát triển dịch vụ cho người cao tuổi
Hiện nay, cả nước có khoảng gần 2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ hưu trí; gần 140.000 người cao tuổi cô đơn, nghèo khó đang phải hưởng chính sách xã hội và gần 5,6 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ hưu trí.
Luật Người cao tuổi quy định, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe; ưu tiên khi sử dụng dịch vụ công, khám chữa bệnh; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao; được phụng dưỡng, kính trọng và giúp đỡ.
Theo dự báo, số lượng người cao tuổi sẽ trên 10% vào năm 2017 và 16% dân số vào năm 2025 tại nước ta đang đặt ra những vấn đề như sức khỏe, bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ, trong đó dịch vụ chất lượng cao tăng, dịch vụ giao thông, văn hóa, tinh thần cũng tăng. Cho nên cần xây dựng đề án phát triển dịch vụ trong lĩnh vực người cao tuổi để thực hiện Luật Người cao tuổi, từ việc khảo sát, đánh giá, phân loại dịch vụ cần được phát triển, hướng vào các hoạt động mang tính bền vững. Chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho phát triển dịch vụ, khuyến khích phát triển dịch vụ người cao tuổi từ các nguồn lực xã hội; chú trọng bồi dưỡng cán bộ quản lý và cung cấp dịch vụ người cao tuổi…
Kính trọng người cao tuổi là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Qua các thế hệ, người cao tuổi nước ta đã có nhiều công lao to lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có uy tín, vai trò và vị trí quan trọng. Phát huy truyền thống của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ đã xác định người cao tuổi có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng. Bác Hồ chỉ rõ: trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức… Do vậy, cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi bằng việc đưa ra các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của pháp luật về chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về già hóa dân số và tác động tới phát triển KT- XH; thực hiện các chỉ tiêu cải thiện đời sống về ăn, ở, đi lại, bảo đảm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và trợ giúp người cao tuổi nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, thông qua phát triển các dịch vụ chăm sóc từ cộng đồng.
Vũ Hà
No comments:
Post a Comment