08:07 | 01/10/2011
Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang tích cực tìm thị trường mới ở châu Phi, Tây Á, Trung Đông..., nguy cơ gặp rủi ro sẽ cao hơn những thị trường xuất khẩu truyền thống. Vì vậy, việc thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là một tin vui với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Trịnh Thanh Hoan cho biết, khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia khác, nếu mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thì công ty bảo hiểm sẽ bảo đảm tín dụng trong trường hợp đối tác nước ngoài không trả tiền do khủng hoảng tài chính, phá sản, giải thể... Doanh nghiệp bảo hiểm còn có trách nhiệm điều tra về thị trường, khả năng tài chính và độ tín nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu để thông báo lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn tạo ra sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng doanh số bán hàng theo những điều khoản tín dụng cạnh tranh... Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang tích cực tìm thị trường mới ở châu Phi, Tây Á, Trung Đông..., nguy cơ gặp rủi ro sẽ cao hơn những thị trường xuất khẩu truyền thống. Vì vậy, việc thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là một tin vui với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Có 23 nhóm mặt hàng khuyến khích bảo hiểm tín dụng xuất khẩu gồm: thủy sản; gạo; cà phê; rau quả; cao su; hạt tiêu; nhân điều; chè; sắn và các sản phẩm từ sắn; dệt may; giày dép; điện tử và linh kiện máy tính; gốm sứ; thủy tinh; mây tre cói và thảm; sản phẩm gỗ; sản phẩm chất dẻo; dây điện và cáp điện; xe đạp và phụ tùng; túi xách, vali, mũ, ô dù; sản phẩm từ sắt thép; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải. |
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, so với nhu cầu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn chưa phát triển tương xứng. Hiện chỉ có 5 công ty bảo hiểm đã triển khai sản phẩm này là Chartis, QBE, Bảo Việt, Bảo Minh và PVI. Trong đó, 3 doanh nghiệp trong nước chỉ có được một vài đơn hàng nhỏ lẻ, cán cân cung cấp sản phẩm này đang nghiêng về các công ty bảo hiểm nước ngoài (Chartis và QBE). Đây là những doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã có kinh nghiệm triển khai thành công ở nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Họ có mạng lưới rộng khắp nên có thể dễ dàng tìm hiểu về đối tác nhập khẩu của khách hàng Việt Nam.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực tới Việt Nam, trong đó trực tiếp và lớn nhất là xuất khẩu khiến cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những áp lực tài chính ngày một gia tăng thì bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cần được xem là công cụ chiến lược thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển loại hình bảo hiểm tín dụng này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Để hiện thực hóa Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong giai đoạn 2011 - 2013 của Chính phủ (với mục tiêu cuối năm 2013, đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu), Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 7 doanh nghiệp được lựa chọn triển khai thí điểm dịch vụ này gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty Bảo hiểm PVI; Công ty liên doanh bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine; Công ty bảo hiểm QBE Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Chartis Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Liên hiệp. Đối tượng tham gia thực hiện thí điểm là các thương nhân xuất khẩu hàng hóa thuộc các nhóm hàng: thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép... Sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Có 23 nhóm mặt hàng khuyến khích bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho đề án từ đại diện các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó tập trung vào những nội dung như: quyết liệt xây dựng kế hoạch thực hiện đề án đến năm 2013; ban hành quy tắc sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; đẩy mạnh công tác khảo sát thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong nước và quốc tế; mở rộng các hình thức thông tin tuyên truyền, cách thức tiếp cận cho loại hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu…
Quang Nguyễn
No comments:
Post a Comment