Phát biểu của ĐB Triệu Thị Bình tại buổi thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học sáng 7/6/2010.
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tôi thống nhất với đánh giá trong kết quả Báo cáo giám sát là giáo dục đại học nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Cũng như một số đại biểu đã phát biểu trước, tôi thấy còn một số những bất cập trong giáo dục đại học của nước ta, đó là:
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo từ năm 1987 đến năm 2009 số sinh viên nước ta tăng 13 lần, số giảng viên tăng chỉ có 3 lần. Do đó tỉ lệ sinh viên trên giảng viên là quá cao so với quy định. Theo kết quả khảo sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ là 40 sinh viên/1 giảng viên, có không ít trường số giảng viên thỉnh giảng nhiều gầp 2 lần số giảng viên cơ hữu. Trong khi đó việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chưa hợp lý, nhiều trường ngoài công lập được giao chỉ tiêu tuyển sinh rất cao. Ví dụ trong 4 năm, từ năm 2006 đến năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Quang Trung tăng từ 700 lên 3.300, Trường Đại học dân lập Hùng Vương tăng từ 1.000 lên đến 2.100. Mặt khác, dù chỉ tiêu đã được giao cao nhưng nhiều trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, như Trường Đại học Phan Thiết đã vượt đến 91,73% hay Trường Cao đẳng Cần Thơ vượt gần 90%. Còn có trường tự tuyển sinh thêm hàng trăm sinh viên vào những ngành mà chưa có quyết định mở mã ngành của Bộ, những chế tài, xử lý vi phạm thì chưa đủ sức răn đe. Do đó tôi đề nghị cần tăng cường kỉ cương, kỉ luật và có chế tài xử lý mạnh hơn tình trạng này.
Vấn đề nữa, tôi thấy công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu phát triển giáo dục đại học và còn chồng chéo, phân tán. Chúng ta chưa xây dựng được cơ quan dự báo về nhu cầu lao động theo trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề. Việc mở rộng qui mô đào tạo chưa gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực. Từ những bất cập và hạn chế trên, tôi xin đề nghị, kiến nghị một số nội dung sau:
Một, đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo rà soát các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các trường xác định tiêu chí tuyển sinh sát với năng lực đào tạo của mình.
Hai, cần hạn chế quy mô đào tạo hệ không chính quy vì hiện nay số sinh viên hệ không chính quy rất lớn.
Ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo cần tăng cường công tác hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, tiến hành giải thể hoặc hạ cấp đối với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt đối với trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng. Hiện nay còn 15/78 trường ngoài công lập chưa thực hiện được việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mượn cơ sở để tổ chức đào tạo, hầu hết thiếu diện tích cho sinh viên vui chơi, hoạt động thể dục, thể thao. Với những trường như thế làm sao có thể bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện được.
Bốn, đối với các cơ sở giáo dục đào tạo cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với những đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp thông qua các hình thức ngày hội tư vấn việc làm, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo nhân lực v.v... Cần hướng tới việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội, chứ không phải đào tạo theo những cái mà nhà trường đã có.
Năm, việc hình thành các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ở Việt Nam là một chủ trương đúng nhằm góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, ở đây đã phát sinh bất cập như chất lượng đầu vào và đầu ra còn thấp so với yêu cầu. Quy mô đào tạo tăng cao so với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất. Định mức học phí cao, kiểm soát thu, chi thiếu chặt chẽ dễ phát sinh tiêu cực, chất lượng đội ngũ giảng viên v.v...
Đây là những yếu kém bị cơ chế thị trường làm thương mại hóa trong giáo dục đại học và cao đẳng cần được Bộ Giáo dục và đào tạo chú trọng kiểm soát và khắc phục sớm. Bên cạnh đó Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cần sớm xem xét sự quá tải về chương trình, nội dung đào tạo trong giáo dục đại học và cao đẳng. Hiện nay có đến 4.200 chương trình đào tạo là khá nhiều, trong đó không ít chương trình đã cũ và không cập nhật được tri thức mới. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi vào Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thành lập trường và đầu tư bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Xin cảm ơn Quốc hội.
No comments:
Post a Comment