Friday, July 29, 2011

29/07 Doanh nghiệp nợ BHXH: Quyền lợi người lao động bị rút ruột!


(Tamnhin.net) - Tốt nghiệp đại học 5 năm, Ngọc L. vẫn chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dù cô đi làm được 2 công ty trong khoảng thời gian đó.
Mới ra trường, cô được nhận vào làm công việc hành chính tổng hợp, lo tất cả mọi thứ cho nhân viên trong văn phòng, nhưng chưa bao giờ nghe sếp đề cập đến vấn đề đóng bảo hiểm cả, có ai hỏi sếp cũng lờ đi, hoặc trả là đang chờ bên bảo hiểm làm thủ tục. Cô chuyển việc sau hơn 1 năm làm việc.

Đến công ty sau, rút kinh nghiệm ngay từ lúc phỏng vấn cô đã hỏi rõ chế độ và yên tâm khi người phỏng vấn (sau này cô mới biết đó là trưởng phòng) đã nói rõ về quyền lợi bảo hiểm sẽ được công ty thực hiện sau 2 tháng thử việc theo đúng bộ Luật Lao động. Cô cho biết “Hàng tháng công ty vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo mỗi kỳ lương”. Sau hơn 2 năm cô chuyển sang một công ty của Nhật, khi quay về hỏi sổ bảo hiểm công ty cũ cô nhận được đủ câu trả lời như “công ty mới thay nhân sự, nhân sự mới chưa quen hẹn lại lần sau”, hay “đang chờ bên bảo hiểm làm thủ tục”,… Sau quá nhiều lần bị từ chối cô quyết định đóng mới chịu mất đi quyền lợi đáng ra cô được nhận trong quá trình lao động của mình.

Theo ông Trương Trọng Thắng – Phó giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết “Trong 6 tháng đầu năm nay số tiền nợ của DN với BHXH Tp. Hà Nội lên đến 925 tỷ đồng tăng lên nhiều so với năm trước”.

Ông cũng cho biết chỉ tính riêng số doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên 1 năm đã lên đến con số 60 doanh nghiệp với số nợ hơn 160 tỷ đồng. Ngay trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan ông cũng đã khởi kiện 3 doanh nghiệp. Tuy nhiên con số nợ vẫn tiếp tục tăng chứng tỏ những cơ chế pháp lý phát huy hết hiệu quả.

Ông cho rằng “Lãi chậm nộp BH 10,5%/năm, phạt lãi chậm nộp 8% thấp hơn nhiều so với mức lãi suất của hầu hết ngân hàng hiện tại, nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt để gửi tiền ở ngân hàng lấy lãi suất”.
Còn theo ông Trương Anh Tuấn Văn phòng luật sư Investlinkco thì “hiện nay có 2 mức phạt đối với doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội: cảnh cáo hay phạt tiền những tối đa chỉ 30 triệu đồng”. Các chế tài này chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện một cách “tự nguyện”.

Những trường hợp như Ngọc L. trên đây không phải là hiếm, chính sự e ngại, sự chưa hiểu rõ những quyền lợi của mình đã một phần “tiếp tay” cho doanh nghiệp nợ đóng tiền bảo hiểm và vô tình làm mất đi công sức của người lao động cũng như những quyền lợi về y tế khác.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay các nhà làm luật cần nhìn nhận vấn đề “nợ” bảo hiểm xã hội của lao động như là hành vi trái phép, chiếm dụng vốn, xâm hại quyền lợi của người lao động. Ngoài ra việc đóng bảo hiểm xã hội cần phải được thực hiện bắt buộc như việc đóng thuế chứ không phải dựa vào sự “tự nguyện” của doanh nghiệp như hiện nay.

Điều 2 Luật BHXH:

1. Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam bao gồm:

Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

2. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước…; doanh nghiệp, hợp tác xã… có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Theo quy định trên, nếu công ty không đóng BHXH cho bạn là vi phạm pháp luật, bạn có quyền tự thương lượng trực tiếp yêu cầu người đại diện theo pháp luật của công ty giải quyết.

Nếu qua thương lượng trực tiếp mà bạn không đồng ý, bạn có quyền làm đơn yêu cầu Hội đồng hòa giải cơ sở (nếu Công ty có Hội đồng hòa giải) hoặc yêu cầu cơ quan lao động cấp huyện cử hòa giải viên lao động (nếu công ty không có Hội đồng hòa giải) để hòa giải. Bạn cũng có thể nhờ công đoàn cơ quan giúp bạn thương lượng.
 

Lê Hòa

No comments:

Post a Comment