Friday, July 29, 2011

29/07 Đô đốc Mullen: Mỹ yêu cầu Trung Quốc không ép buộc các quốc gia nhỏ

Ngày 29.07.2011, 17:05 (GMT+7)
SGTT.VN - Mỹ vẫn sẽ là một siêu cường ở Thái Bình Dương, đó là tuyên bố của chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen, như một thông điệp rõ ràng gửi đến Trung Quốc vốn đang phản đối sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc đang được hoàn thiện. Mỹ đang quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu cho quân sự. Ảnh: Xinhua
"Chúng tôi đang và sẽ vẫn là một quyền lực ở Thái Bình Dương", đô đốc Mike Mullen phát biểu tại một cuộc họp báo với báo chí nước ngoài ở Washington hôm 25.7.
"Quân đội của chúng tôi đang và sẽ duy trì cánh tay dài của quyền lực đó. Chúng tôi sẽ không giảm trách nhiệm, từ trách nhiệm cũ hay mới. Và chúng tôi chắc chắn sẽ không thu hẹp mọi cơ hội để tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực quan trọng này của thế giới", ông nói.
Đô đốc Mullen, người vừa thăm Trung Quốc trở về, cho biết việc Mỹ phát triển mối quan hệ quân sự với Trung Quốc là quan trọng, nhưng không thể để cho mối quan hệ này quyết định đến việc suy nghĩ, lập kế hoạch và bố trí lực lượng của Mỹ.
"Chúng tôi có những cam kết về an ninh quan trọng và lâu dài trong khu vực khiến chúng tôi phải tăng cường và mở rộng", ông Mullen nói thêm rằng đây là lý do mà ông đến Nhật Bản và Hàn Quốc sau chuyến thăm Trung Quốc từ 10.7 - 13.7 vừa qua.
"Chúng tôi tìm kiếm việc mở rộng hợp tác quân sự, với Ấn Độ là việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo vệ các lợi ích toàn cầu và chống lại chủ nghĩa khủng bố. Và chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác an ninh quân sự và các cuộc diễn tập với Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Pakistan, Indonesia, Singapore và các quốc gia khác trong khu vực, cộng tác với họ để giải quyết các mối đe dọa đến chủ quyền và an ninh của họ ", Đô đốc Mullen cho biết.
"Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu họ làm như vậy với những nước khác. Chúng tôi có một cam kết an ninh lâu dài ở Thái Bình Dương, chúng tôi có kế hoạch để cam kết này sâu rộng hơn, nhưng chúng tôi cũng muốn thấy nước khác làm sâu sắc hơn việc hợp tác với các nước láng giềng của họ. Mối quan hệ đó không chỉ là quan hệ song phương, mà là đa phương, cho dù có bao gồm Mỹ hay không, "ông nói.
Đây là lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến với Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vừa qua tại Bali, Indonesia, và cũng là lý do quân đội Mỹ sẽ tiếp tục chú trọng việc hợp tác với ASEAN và các diễn đàn đa phương khác.
Đô đốc Mike Mullen và tướng Trần Bỉnh Đức, tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, ngày 11.7.2011. Ảnh: AFP
Ngoài ra, trên một bài viết đăng trên báo New York Times ngày 26.7, đô đốc Mullen khi nói về việc hợp tác quân sự Mỹ – Trung Quốc đã khẳng định: ưu tiên chiến lược về an ninh quốc gia của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm mối quan hệ đang phát triển với Trung Quốc và các cam kết an ninh lâu dài với các quốc gia khác ở khu vực này.
Theo ông Mullen, Mỹ sẽ không ngồi nhìn việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông. “Chúng tôi vẫn không hiểu đầy đủ việc Trung Quốc biện minh cho sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu quốc phòng hoặc cho mục tiêu dài hạn về hiện đại hóa quân sự. Và chúng tôi không tin rằng Trung Quốc được phép giải quyết các tranh chấp ở vùng biển tranh chấp bằng cách ép buộc các quốc gia nhỏ hơn. Hơn nữa, ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đã nói rõ, chúng tôi ủng hộ quá trình hợp tác ngoại giao giữa tất cả các bên để giải quyết các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế. Và chúng ta cần có cơ chế tốt hơn để đối phó với những căng thẳng không thể tránh khỏi”, ông Mullen nêu trên bài viết.
Theo thông tin trên một trang web của Hải quân Mỹ, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ "hiện vẫn là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, mở rộng từ bờ biển phía tây của Mỹ đến Ấn Độ Dương, trải rộng qua ba đại dương, sáu lục địa, và hơn một nửa bề mặt của trái đất". Hạm đội này có 180 tàu chiến, gần 2.000 máy bay, cùng 125.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ và nhân viên dân sự".
H.S (THEO HINDU, NYT)

No comments:

Post a Comment