Tường Thụy - Sở dĩ tớ xếp câu chuyện này vào mục “Chuyện thật như bịa” là vì nó rất hy hữu, tớ chưa thấy trường hợp nào xảy ra. Nhưng nó lại khác 3 chuyện thật như bịa trước đó ở điểm là thay vào sự bức xúc trước các câu chuyện ấy thì chuyện này lại làm cho người dân phấn khởi và có cảm giác rằng, họ đã giành được quyền làm chủ thực sự, ít ra thì cũng trong sự kiện này.
Cũng vì tính chất hy hữu của nó nên tớ phải đưa tên người thật, địa danh thật và tất nhiên rồi, tớ phải ký chính danh. Làm thế là để mọi người tin rằng tớ không bịa và xác định trách nhiệm đối với những gì mình viết.
Đó là cuộc bầu cử ở xóm tớ. Xóm tớ có tên gọi là cụm Quỳnh Lân (đường Phan Trọng Tuệ), xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thực ra, trong văn bản hành chính người ta gọi nó là cụm dân cư, nhưng dân chỗ tớ hay nói là xóm tôi chứ không nói cụm tôi bao giờ.
Hôm ấy, 28/8/2011, nhằm ngày đẹp giời, dân xóm tớ đi bầu trưởng xóm. Nhiệm kỳ trưởng xóm là 2 năm. Nội dung cuộc họp bao giờ cũng có 2 phần: đánh giá hoạt động của nhiệm kỳ vừa xong và bầu trưởng xóm do chi bộ cử ra. Nhưng dân không gọi là họp xóm mà gọi là đi bầu trưởng xóm, vì cái bản tổng kết kêu như chuông thì chẳng ai thèm góp ý cho mất thời gian, dù sao thì nó đã qua rồi. Sang tiết mục bầu, vì có nhõn một vị được đề cử nên cũng nhanh, tỉ lệ trúng cử bao giờ cũng cao, chả khi nào phải bầu lại. Cái này người ta gọi là ĐẢNG CỬ DÂN BẦU, thể hiện Ý ĐẢNG LÒNG DÂN.
Quay trở về chuyện họp xóm kỳ này. Người được chi bộ giới thiệu thông qua mặt trận ra ứng cử là Vũ Xuân Đến, nguyên lái xe quân đội về hưu. Trưởng xóm cũ tên là Tống Hồng May không lại được với tập thể (chi bộ) vì trong chi bộ 10 người thì chỉ có 2 vợ chồng ông đứng về một phía. Ông kia có hậu thuẫn của ông anh giai, có thâm niên bí thư chi bộ, mới thôi. Ông anh giai này trước đây là đốc công của Nhà máy phân lân Văn Điển, một con người “đa mưu túc kế”, ông hay khoe đầu ông có sạn, chính tớ đã trực tiếp nghe ông khoe như thế. Tớ thì vẫn cho rằng ông toàn những mẹo vặt vãnh chứ đa mưu túc kế gì. Ấy vậy mà em ông, tức là ông trưởng xóm tới đây sợ ông một phép, nhiều việc nhà phải hỏi ý kiến ông chứ không dám tự quyết. Vì tớ ở sát nhà em ông, có những khi phải giao tiếp, thống nhất một việc gì đó. Thống nhất xong lại thấy sang rút lời với lý do “anh tôi và vợ tôi không đồng ý”. Chuyện này dài, chỉ nói vắn tắt như vậy đã.
Bên Đảng đã cử thì dân bầu coi như chắc chắn. Từ đầu năm nay, đi đến đâu người ta mặc nhiên coi ông này là trưởng xóm mới, bầu bán chỉ là thủ tục. Nghe nói ông ta cũng phổ biến cho nhiều người như vậy. Thậm chí, việc bàn giao trưởng xóm được tiến hành từ trước khi bầu cử. Cũng trước đó, ông trưởng xóm cũ đã có một cuộc chia tay ngậm ngùi với 36 người mặc dù ông chẳng muốn nhưng thế thua đã rõ. Cần gì đợi dân bầu mới khẳng định. Hic hic, dân chẳng là cái đinh gì.
Thôi, lại tiếp tục nói về chuyện bầu bán. Chủ tọa (là một ông mặt trận) hỏi bà con có đề cử ai không? Chắc cũng như lần trước, sẽ không ai đề đóm gì. Tưởng đã xong xuôi, cứ thế mang ông kia ra bầu.
Nhưng kìa, bác Nga, sau đó lại chú Hùng đứng dậy, đề cử ông trưởng xóm cũ.
Hai người thì dồn phiếu ra sao đây? Coi chừng ý đồ của chi bộ bị phá sản. Chủ tọa có lẽ hơi bí. Nhưng với bản lĩnh của một người có thâm niên hoạt động phong trào, ông tuyên bố đồng chí May đã có nguyện vọng rút, mặt khác việc người của đảng đứng ra ứng cử hay làm gì thì phải được sự đồng ý của chi bộ nên bà con đề cử đồng chí May là không phù hợp.
Bác Nga và chú Hùng, mỗi người phát biểu 2, 3 nhát gì đó. Lại một bác, một bác nữa … Xem ra tình hình khá căng thẳng. Bên thì cứ đòi giới thiệu trưởng xóm cũ, bên thì bám vào nguyên tắc đảng cử để không chấp nhận đề cử ông May vì ông này không được chi bộ tín nhiệm nữa.
Xung quanh tớ, mọi người khích lệ tớ đứng ra ứng cử vì tớ hay bênh dân. Bênh không bằng nước dãi, có kết quả hẳn hoi. Nhưng đó cũng không phải là điều tớ định kể ra ở đây. Ui dời, tớ thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm trưởng xóm hay làm cái gì dính đến chức quyền. Tớ chỉ thích quyền công dân thôi chứ không thích quyền cán bộ. Nhưng tớ cũng đứng lên, nói đại ý:
Đầu tiên, tôi xin nêu nguyện vọng đối với một trưởng xóm. Trưởng xóm, trước hết phải chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và nghị quyết của Đảng (nghe bài bản quá nhỉ?). Tôi nói là nghị quyết, được ghi thành văn bản chứ không phải là ý kiến của một ông bà đảng viên, cán bộ nào đó nếu nó trái với nghị quyết của đảng hay không đúng với pháp luật của Nhà nước. Cá nhân một ông bà cán bộ, đảng viên không phải là đảng, không phải là Nhà nước.
Thứ hai là phải biết bảo vệ lợi ích của người dân. Lợi ích đây là lợi ích hợp pháp, được pháp luật công nhận chứ không phải là lợi ích của mấy thằng lưu manh côn đồ, đi tranh chấp của người ta rồi đánh người, cướp tài sản nhưng công an cũng bảo vệ lợi ích đó là không được (cái chuyện này đã xảy ra ở xóm tớ, kiện mãi nhưng rơi vào im lặng) …
Tớ nói đến đây có tiếng phản đối rằng thôi thôi, đi chệch chủ đề rồi …
Tớ bảo vâng, tôi quay trở về việc bầu cử đây. Về ông May, tôi rất ghét ông ấy, nói là kẻ thù thì hơi quá. Ông ấy làm nhiều điều hại đến nhà tôi. Nhưng với cương vị trưởng xóm, ông ấy được ở những điểm nhiệt tình, hăng hái, trong những nhiệm kỳ qua đã làm được mấy việc có ích. Vì vậy, tuy tôi không đề cử nhưng tôi ủng hộ việc đề cử ông May. Ông ta được việc thì tôi ủng hộ, chứ tôi không vì chuyện cá nhân giữa tôi với ông ấy.
Còn ông Đến thì thế nào? So với yêu cầu đối với trưởng xóm, nói về trình độ văn hóa (tớ quay lên bàn chủ tọa) có phải hết phổ thông không ạ? Ông mặt trận bảo không không, chỉ cần hết phổ thông cơ sở nghĩa là lớp 7 thôi. Tớ cười bảo vâng, nếu tiêu chuẩn về văn hóa chỉ có thế thì chắc ông ấy cũng dễ qua. Kể ra thời buổi này mà yêu cầu về văn hóa đối với một trưởng xóm như vậy là quá thấp. Nhưng về tiêu chuẩn đạo đức thì ông này không được. Trong quá trình tranh chấp với hàng xóm, ông ta thể hiện là một con người điêu chác (mọi người cười ầm cả phòng họp). Anh em ông ấy còn tổ chức và dẫn con cháu mang sắt, mang búa xông sang hàng xóm chiếm đất, đánh người. Thử hỏi một đảng viên tư cách đạo đức như thế thì lãnh đạo ai?
Lại có tiếng nhắc nhở: không đi lạc đề …
Chủ tọa cố lèo lái, vẫn giữ ý kiến rằng, ông May đã có nguyện vọng xin rút và việc ra ứng cử phải được sự đồng ý của tổ chức.
Không khí cuộc họp đã căng thẳng. Người ta nhìn nhau lo ngại vì ý kiến của ông chủ tọa phát ra như là một nguyên tắc bất di bất dịch. Tớ lại đứng dậy đòi mic. Chủ tọa nhắc, chỉ phát biểu ý kiến mới thôi nhá. Tớ bảo vâng vâng, ý kiến mới đây:
Thứ nhất, về việc ông May xin nghỉ, theo như tôi biết là ông May chưa sẵn sàng nghỉ, mà là do bị ép …
Chủ tọa nhắc: Nên nhớ, ông May là đảng viên nhá. Chắc ý ông cho rằng, cứ đảng viên nói là thật và đã nói thì phải có trách nhiệm, không được thay đổi. Tớ nói tiếp: Còn về ý kiến phải được sự đồng ý của tổ chức Đảng mới được ra ứng cử thì tôi xin hỏi, Đảng có vì dân không? Tại sao dân có nguyện vọng đề cử ông May mà chi bộ lại không chấp thuận? Vậy lợi ích của dân và lợi ích của chi bộ mâu thuẫn nhau chăng?
Chủ tọa buộc lòng đưa ra biểu quyết. Ai đồng ý đề cử ông May? Ai không đồng ý?
Cả hai lần giơ tay đồng ý và không đồng ý, cuối cùng việc đề cử ông này được đa số tán thành (nhưng việc đề cử ông Đến thì không thấy đưa ra biểu quyết, chắc chi bộ đã quyết thì khỏi phải xin ý kiến dân).
Vậy là họ đưa lên bảng danh sách hai ông cho chúng tớ bầu.
*
Sang đến tiết mục bầu cũng căng thẳng không kém. Sợ nhất là kết quả gian. Chẳng hiểu sao, mọi lần bỏ phiếu kín mà lần này các ông ấy lại lấy biểu quyết bằng cách giơ tay, mặc dù hòm phiếu đã được chuẩn bị. Tớ thì nghĩ họ làm thế để dân dù không muốn cũng phải bầu cho người của chi bộ giới thiệu vì nể nang hoặc vì sợ.
Giơ mỏi tay vì chờ mấy ông bà trong tổ bầu cử còn đếm. Ai bầu ông này? Ai bầu ông kia? Hai vợ chồng ông May thì giơ tay cho ông kia, còn ông kia cũng nhất trí giơ tay bầu … mình.
Kết quả xướng lên rất khác nhau, chẳng hiểu mắt mấy vị kèm nhèm hay đếm gian. Bí thư chi bộ làm tổ trưởng bầu cử đã định lấy kết quả trung bình. Tuy vậy, số người bầu cho ông May vẫn cao hơn.
Thế là phải bầu lại bằng bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu chả hiểu sao số người có mặt là 89 mà phiếu thu về lại là 96. Họ giải thích rằng số phiếu dư ra là do một số nhà tách hộ nên xin thêm phiếu. Lại có cả trường hợp dân ở trọ cũng được huy động đi bầu, thế mới lạ.
Đã định rằng người thì ghi chép, người đọc phiếu xướng tên. Một ông trong tổ bầu cử yêu cầu nhặt riêng ra 2 đống, xếp ra 2 bên, của ông nào xếp vào đống của ông ấy, cuối cùng đếm từng đống sẽ ra. Thông minh phết. Cách này cũng hay, khỏi có chuyện phiếu ông A lại đọc thành tên ông B.
Kết quả số phiếu của ông May vẫn cao hơn như lúc biểu quyết bằng giơ tay: 52/94 (có 2 phiếu không hợp lệ) trên 55% nhưng so với tổng số hộ là 108 thì không quá bán. Tớ chẳng hiểu sao lại có qui định kỳ quặc như vậy, tỉ lệ tính trên cả những người không tham gia bỏ phiếu? Nguy cơ phải đi bầu lại vào buổi khác có vẻ đến nơi. Lại phải họp kín hội ý lâu lâu là. Cuối cùng thì họ phải công nhận trưởng xóm cũ đã tái cử. Nghe nói trong việc này, cô chủ tịch xã phải can thiệp.
Trưởng xóm vui mừng và cả cảm động nữa, lên phát biểu mấy câu nhậm chức, hứa hẹn. Ông không ngờ. Đã tưởng như không còn chút hy vọng nào vì chi bộ đã quyết như thế, vậy mà …
Chắc có bạn cho rằng, cái chức trưởng xóm có gì ghê gớm mà việc bầu bán diễn ra căng thẳng tới phút chót như vậy. Nhưng với một số người, đó lại là một việc quan trọng. Bổng lộc đâu chưa biết nhưng nó nói lên thế lực giữa các phe nhóm.
Kết quả bầu cử cũng nói lên người dân đã biết đứng lên giành lấy quyền công dân của mình chứ không chịu chấp nhận những màn diễn lộ liễu trong những cuộc bầu cử từ trước đến nay, có khi chỉ một cá nhân mà khuynh loát tất cả. Sau khi kết thúc, một cử tri nói với cô chủ tịch xã kiêm phó bí thư Đảng ủy: Qua cuộc bầu cử này, cô mới thấy thực chất cái chi bộ ở đây nó như thế nào.
Chuyện còn ồn ào sang những ngày tiếp theo, ở đầu ngõ, ở quán nước. Mấy người vắng mặt nghe nói tiếc ngẩn ngơ: biết thế, hôm ấy tôi cũng đi.
Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù kết quả trái ngược với sự chỉ đạo của chi bộ xóm nhưng dư luận rất hoan nghênh. Có người bỏ phiếu theo phía thiểu số cũng nhận xét rằng ấn tượng nhất của cuộc bầu cử là lòng dân đã chiến thắng. Mấy vị hay có quan hệ với những người trong đảng ủy, ủy ban xã, họ cũng nói là dư luận ở xã cũng rất hoan nghênh kết quả bầu cử vừa qua.
Vậy là lần đầu tiên, mô hình đảng cử dân bầu đã không thành công và ý nguyện của dân được khẳng định, dù chỉ ở cấp xóm thôi. Đây là trường hợp hy hữu, nhưng nó là điềm lành báo hiệu những gì tốt đẹp, ít ra thì cũng trong phạm vi cái cụm dân cư của tớ. Trước đó, không có ai ngờ.
. Bookmark the permalink.
Chính những thành tựu nhỏ đó là những mồi lửa lớn báo hiệu cho ngày sẽ đến khi người dân lấy lại được quyền làm người, lấy lại được quyền làm chủ đất nước mình. Dù chặn đường trước mặc còn dài, rất dài, nhưng Tường Thụy đã lên đường và người Việt dù bất cứ nơi nào sẽ mãi ghi nhớ những gì Tường Thụy đã làm.
Xin cám ơn Tường Thụy.
Chấn Minh
Tại sao bài viết của Tường Thụy được chạy nhật trình mà tui lại thấy hay? Bộ Tường Thụy viết dở lắm sao?
Hổng phải. Tường Thụy viết hay thấy ông cố nội tui. Tui chưa hết phổ thông cơ sở làm sao dám phê phán tài viết văn của Tường Thụy.
Hay là bởi vì cái vụ "ý dân là ý trời" là cái chuyện xưa như Diễm. Cái câu "ý dân là ý trời" nghe đâu đã có từ mấy nghìn năm trước. Cái chữ "republic" (cộng hòa) có từ cái thuở Rô Ma còn là của người... La Mã. Ở các nước khác, kể chuyện bầu bán theo ý dân kiểu này mà gửi đòi đăng chạy nhật trình sẽ bị quăng vào... sọt rác. Kể chuyện này cũng như kể chuyện hôm qua sáng sớm tui ra khỏi nhà đi làm, tui đạp máy xe, xe nổ máy, tui sang số rồi đi một mạch tới văn phòng, tui dô đi làm, rồi chiều tui chạy xe về nhà.... Chán như cơm nếp nát, nhật trình nào mà cho chạy bài!
Vậy mà ở Việt Nam, "bầu cử theo ý dân" lại là chuyện lạ, đáng chạy nhật trình!
Vậy không hay là gì?
Mong các bạn sẽ có những bài viết như thế nầy. Vấn đề không là lời văn, hay chính tả, mà là ý nghĩa bài viết. Và đây cũng là cơ hội cho chúng ta nói ra những gì không có dịp hay điều kiện để nói. Điều nầy mang chúng ta lại gần nhau hơn qua những cảm thông chân thực.
Và tôi cũng học được nhiều sự việc trong bài nầy; nơi mà tôi không từng được trãi qua.
Nếu ai cần nhu liệu đánh tiếng Việt của VPSKeys 4.3, xin vào :
http://www.megaupload.com/?d=G2D3F0N4
Nếu có gì trục trặc, xin cho biết. Cảm ơn
04:19 Ngày 24 tháng 9 năm 2011
Nhìn cái ngày 28/9/2011 mà không biết chuyện thật hay giả.
*
Bạn VN_12345: Ngày tháng bị đánh nhầm. Đã chỉnh sửa lại là ngày 28/8/2011. Xin lỗi các bạn trong thôn.
Dân Làm Báo
Hoan ho !
Báo chí lề phải không đăng những tin không có lợi cho đảng(chỉ phục vu, cho đảng thôi, cho nên ở VN khi đọc báo thì phải suy nghỉ ngược lại những gì mà báo viết, thì mới có được tin tức trung thực.
Thí dụ nói là kinh tế khả quan, vượt chỉ tiêu thì có nghĩa là gần sập tiệm rồi.
Hơn nửa chủ trương của đảng chỉ cổ vũ cho dân chủ giả hiệu thôi. Còn như sụ việc trên thì không đúng theo quan niệm của đảng về dân chủ.
Chính vì thế khi cả thế giớ nói VN không có tôn trọng Dân Chủ và Nhân Quyền thì đảng và nhà nước chối bay bải rằng không đúng.
Dân chủ gì với cái đám cộng sản chuêyn nói láo!