Friday, September 23, 2011

23/09 'Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi'

"Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Gần đây nhất, kỷ niệm sự kiện 11/9 ở Mỹ, họ cũng không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ trên nền 2 tòa tháp cũ", ông Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại (Viện Mỹ thuật) trao đổi với VnExpress.

'Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém'Quảng Nam trần tình về 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam

- Vừa có chuyến thăm mô hình tượng đài mẹ VN anh hùng tại Quảng Nam, cảm nhận của ông như thế nào về công trình này?
- Trước thông tin Quảng Nam xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, những người nghiên cứu mỹ thuật đã rất quan tâm bởi lẽ công trình đội giá nhiều lần với số tiền rất lớn, trở thành tượng đài có kinh phí lớn nhất Việt Nam, vượt qua cả tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khi tôi xem mô hình bằng xi măng với tỷ lệ 1/1, ấn tượng đầu tiên là không thỏa mãn, không choáng ngợp về thẩm mỹ, về hiệu quả thị giác mà chỉ thấy đồ sộ. Tôi cũng liên tưởng ngay nếu xây dựng ngoài thực địa, với những công năng lồng ghép (bảo tàng, nơi người dân tới vui chơi, du lịch…), trong không gian nắng và gió khắc nghiệt của miền Trung thì khối tượng này sẽ rất thô và khô.
Tác giả có thể hiện tứ văn học rất hay là tượng sừng sững như núi, có hồ nước phía dưới với ý tưởng "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tuy nhiên, công trình này không thể hiện được điều đó bởi ấn tượng thị giác là khô, nhiều chi tiết vụn, không có sự chắt lọc và không có tính điêu khắc.
Ảnh: Vũ Huy Thông.
Tượng mẹ VN anh hùng đã xong mô hình xi măng tỷ lệ 1/1. Ảnh: Vũ Huy Thông.
Về quy hoạch mặt bằng, cấu trúc tổng thể cũng không thỏa mãn, dàn trải, rời rạc, mặc dù về sau có thêm tiểu cảnh cây xanh trong không gian chung. Có thể lấy một ví dụ bằng hàng trụ biểu bên ngoài. Tác giả cố gắng khai thác những hình tượng nghệ thuật, mô típ chạm khắc dân gian, như hoa sen, mây, đàn nhạc, chân dung phụ nữ... nhưng khi càng lồng ghép thì thấy sự tả kể, vụn vặt càng lộ rõ.
Nói thẳng là những minh họa đó mang tính cải lương, “tân cổ giao duyên” và nó càng làm cho tính chất tưởng niệm và chủ đề về mẹ VN bị dàn trải, sức thuyết phục về mặt nghệ thuật không cao, mang nặng tính dân gian nhiều hơn là tính bác học, chuyên nghiệp.

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, tượng hoành tráng mới thể hiện hết tầm vóc của mẹ VN anh hùng, xứng tầm thế giới, ông nghĩ sao về điều này?
- Tư duy thẩm mỹ của người Việt từ hàng nghìn năm nay đều do điều kiện khí hậu và điều kiện kinh tế quy chiếu. Người Việt không có tư duy phát triển theo chiều cao, không có truyền thống làm tượng đài, tượng ngoài trời. Các công trình kiến trúc thường phát triển theo chiều ngang, tiêu biểu như các cung điện ở Huế và đình chùa khắp cả nước.
Từ năm 2006, Viện Mỹ thuật VN tổ chức hội thảo về điêu khắc ngoài trời VN hiện đại. Rất nhiều ý kiến cảnh báo tượng đài ngoài trời VN ngày càng xấu đi, xa rời thẩm mỹ truyền thống của người Việt. Vậy có nên làm tượng đài nữa không? Thế nhưng, sau hội thảo không thấy tình hình tiến bộ mà càng có nhiều tượng đài to và xấu hơn.
Có thể là do kinh tế phát triển nên nhiều nơi, nhiều người muốn làm to hơn song điều ngược lại là hiệu quả xã hội từ các công trình đem lại rất hạn chế. Càng làm, các công trình tượng đài càng tiêu tốn nhiều và không tạo ra được những điểm nhấn thẩm mỹ thị giác bởi tính công thức và minh họa cổ động rập khuôn, không đạt được thành tựu về giáo dục cộng đồng và giáo dục thẩm mỹ.
Ở VN hiện nay rất ít người có khả năng làm tượng đài mà cả tư duy lẫn tay nghề tốt. Những công trình hoành tráng sử thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ Mẹ Tổ quốc của ông Nguyễn Hải, tượng Nhà tù Lao Bảo của Phạm Văn Hạng, tượng đàiNgã ba đồng Lộc của Lê Đình Quỳ, một số tác phẩm của Phan Gia Hương, Lưu Danh Thanh, Tạ Quang Bạo... Tức là rất ít người làm được những công trình mà có cảm giác có tính hoành tráng, sử thi. Ngay cả các sáng tác của họ, chất lượng nghệ thuật cũng không ổn định.
Các trường đào tạo của chúng ta không có chuyên ngành đào tạo điêu khắc hoành tráng, trừ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Các trường khác chỉ dạy điêu khắc tượng tròn, còn điêu khắc ngoài trời đòi hỏi kinh nghiệm và hình thức đào tạo riêng thì ta không có.
Ảnh: Vũ Huy Thông.
Các trụ biểu với nhiều họa tiết. Ảnh: Vũ Huy Thông.

Là nhà nghiên cứu nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về xu hướng làm tượng đài đồ sộ hiện nay?
- Hiện nay trên thế giới người ta không làm tượng đài như ở ta nữa. Ngay cả Trung Quốc cũng làm rất ít, chuyển sang những hình thức khác. Gần đây nhất, kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 ở Mỹ, tại khuôn viên của tòa tháp đôi bị đánh sập, họ không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ mà tại nền 2 tòa tháp cũ, họ đào hai cái hồ vuông, nước chảy liên tục vào đấy, xung quanh ghi tên những người thiệt mạng. Ngày tưởng niệm họ chiếu 2 cột đèn laser lên trời, kỹ thuật không có gì ghê gớm nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Các nước có nhiều hình thức đáng học hỏi chứ không như của ta, hàng chục năm nay vẫn công - nông - binh giơ tay và tượng đài thành công thức, mang nặng tính cổ động, minh họa.
Tất cả điều đó chứng tỏ sự không tiến bộ về thẩm mỹ đến nỗi có ý kiến tiêu cực rằng nên xếp tượng đài vào lĩnh vực xây dựng, không bàn về thẩm mỹ nữa; hay nên chăng dừng xây tượng đài cho đến sau 2020, để lúc đó kinh tế ổn định, các điều luật rõ ràng hơn thì mới bàn... Trong một cuộc hội thảo do Hội Mỹ thuật VN tổ chức cách đây vài năm, có nhà điêu khắc có thâm niên và uy tín trong việc làm tượng đài ở nước ta từng dũng cảm thừa nhận: “Tượng đài là nơi làm kinh tế của các nhà điêu khắc”.

- Nhân nói về bệnh phì đại, ông đánh giá thế nào về mối liên hệ của phong trào đua nhau làm cái to nhất, lớn nhất, lập kỷ lục ở VN hiện nay?
- Thực ra, bệnh thành tích, bệnh muốn chứng tỏ mình là biểu hiện của sự thụt lùi văn hóa, một biểu hiện của sự thích ồn ào, khoe mẽ của tính thực dụng kiểu “trọc phú” chơi trội. Bởi vì, mình phải biết mình là ai. Dân tộc VN có truyền thống văn hóa lâu dài hàng nghìn năm, truyền thống chống ngoại xâm. Tuy nhiên, kinh tế VN thì chỉ mới thoát nghèo và nước ta về lãnh thổ, dân số là nước trung bình trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào ở những khía cạnh nhất định, thế nhưng khi cả xã hội đua nhau làm mọi thứ mà cái gì cũng muốn ghi vào kỷ lục, nhưng giá trị thực chất thì rất đáng ngờ, thì nó gây nên một cơn sốt mà có nhà văn hóa đã nói là "sự lên đồng tập thể". Ở đây, rõ ràng thể hiện sự trục trặc về văn hóa, một lối sống bề nổi, chụp giật và ngạo mạn.
Tôi có thể khẳng định, với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô, bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại lồng ghép nhiều công năng trái chiều.... thì đó sẽ là một sự thất bại về mặt nghệ thuật của VN. Tượng mẹ VN là ví dụ chung cho sự thất bại này.
Nói cách khác, xây dựng tượng đài được ví như nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi, tốn kém vô cùng, và sự ảnh hưởng về mặt giáo dục tinh thần, xã hội cho cộng đồng ngay tại khu dân cư có công trình xây dựng và cho văn hóa nói chung là không cao, nếu không nói là rất đáng ngại nếu tượng đài đó chất lượng xây dựng, thẩm mỹ xấu.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Phạm Trung: "Nhiều công trình điêu khắc to lớn, kềnh càng, khoa trương khánh thành gần đây đã kéo thụt lùi thẩm mỹ điêu khắc, nghệ thuật tượng đài trở về như những năm 1960-1970, nặng tính chất minh họa, cổ động". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Vậy theo ông công trình này nên làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trong khi đã triển khai dự án được 4 năm?
- Khi làm tượng đài, có nhiều yếu tố chi phối. Hội đồng thẩm định địa phương có nhiều thành viên không có chuyên môn nhưng lại có tiếng nói quyết định và ra những bài toán mà các nghệ sĩ phải làm theo, thành ra đẽo cày giữa đường...
Tôi cho rằng, dư luận có thể cứ phản đối, còn địa phương họ vẫn sẽ cứ làm nếu không có chỉ đạo nào từ cấp cao hơn. Theo nghệ sĩ Đinh Gia Thắng, chi phí phóng tượng chỉ là 1/2 của con số hơn 410 tỷ đồng, còn lại là các hạng mục, sân vườn. Nếu địa phương có thực tâm cầu thị thì họ sẽ cắt bớt các hạng mục khác. Thực ra nếu họ dùng tiền ấy làm nhà tình nghĩa, làm bệnh viện, trường học thì giá trị nhân văn hơn nhiều.

- Cá nhân ông, nếu có thẩm quyền, ông sẽ xử lý như thế nào?
- Nói thẳng, nếu có thẩm quyền tôi sẽ không cho làm ngay từ đầu, mà lựa chọn nhiều phương án khác, thậm chí có thể mở nhiều cuộc thi, tìm kiếm các đồ án, giải pháp trên phạm vi cả nước. Công trình nên chọn phương án xây dựng vừa phải, tinh xảo. Vẫn có thể lấy mẹ Thứ làm mô thức chung, hoặc hình tượng nào đó khái quát được lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng cái chính phải là chọn được người sáng tác có nghề. Bài toán ấy phụ thuộc vào đề bài, công trình được đặt ở đâu, ý nghĩa, yêu cầu cụ thể, vị trí đặt thì sẽ ra hình thức cụ thể. Khi càng cô đọng, xúc tích thì công trình càng có tính biểu tượng, đại diện cho văn hóa dân tộc.
Tôi cũng mong rằng, nhà quản lý nên cầu thị, dừng hãm bớt tốc độ xây tượng đài. Đây không chỉ ý kiến của riêng tôi mà nhiều chuyên gia trong ngành kiến trúc, mỹ thuật từng phát biểu.
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ 20/9 đến chiều 23/9
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ chiều 20/9 đến chiều 23/9.
Nguyễn Hưng thực hiện

No comments:

Post a Comment