06:56 | 23/09/2011
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc đợt kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc ra đời Nghị quyết về tam nông là rất cần thiết, kịp thời và đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo sự chuyển biến nhất định trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết 26 – động lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò và sức sáng tạo của nông dân
Kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 26, Tổng bí thư và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với tỉnh ủy An Giang, tỉnh ủy Kiên Giang, huyện ủy Mường Lát, Thanh Hóa. An Giang và Kiên Giang đại diện cho cư dân nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế về đất nông nghiệp và xuất khẩu lúa gạo. Mường Lát - một trong 7 huyện nghèo nhất của Thanh Hóa và một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước - tiêu biểu cho nông dân, nông thôn khu vực Bắc Trung bộ. Với địa hình miền núi chia cắt, khó khăn về đường giao thông, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nông thôn khu vực Bắc Trung bộ có nhiều nét tương đồng với nông thôn miền núi phía Bắc. Và gần đây nhất là hai cuộc làm việc với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả các cuộc làm việc cho thấy quan điểm trong Nghị quyết 26 là hoàn toàn đúng đắn. Đó là nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng, chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảm đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt là an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng là nơi phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Với bà con nông dân, Nghị quyết 26 của Đảng là cây gậy, là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo của nông dân.
Đương nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 26 không chỉ toàn thành tích. Với địa bàn rộng lớn, là nơi sinh sống của hơn 70% dân số cả nước và chiếm 50% lực lượng lao động xã hội, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang đứng trước nhiều vấn đề mới, cần được giải quyết.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về Nghị quyết 26 nói chung cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn chưa đúng và chưa đầy đủ. Nghị quyết khẳng định, nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng thực tế triển khai ở một số nơi có tình trạng nhảy từ cực này sang cực kia, phiến diện, nhấn một chiều về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ quả là khi nói đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nhất định phải thật cao, còn tỷ trọng nông nghiệp nhất định phải giảm dần - có như vậy mới thấy yên tâm, mới đạt thành tích và mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa (?) Còn ở chiều kích khác, có ý kiến lại kiên quyết, phải dồn sức đầu tư nhiều hơn nữa cho tam nông, vì đây là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh lương thực.
Chỉ rõ giải quyết nông nghiệp, nông thôn và nông dân phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, Người đứng đầu Đảng ta cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng không có nghĩa là tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực này. Vì nếu chỉ làm nông nghiệp thì đất nước không thể giàu. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững nhưng phải đi vào hiện đại. Tỷ lệ nhiều lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp không phải là thành tích. Sắp tới, phải làm thế nào để tỷ lệ nông dân làm nông nghiệp ngày càng giảm xuống nhưng năng suất lúa gạo ngày càng tăng, của cải làm ra ngày càng nhiều. Như thế mới là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Muốn đạt được mục tiêu này thì phải nâng cao vai trò chủ thể của nông dân, phải đi vào những cơ chế, chính sách cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần nói đạo lý, nói lý thuyết suông – Tổng bí thư nhấn mạnh.
Nói nông dân - không phải chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là đủ
Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới là quan điểm đã được khẳng định trong Nghị quyết 26. Ba năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước cụ thể hóa quan điểm này. Song thực tế kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Nghị quyết 26 ở một số địa phương, cơ sở thì dường như các biện pháp để phát huy vai trò chủ thể của nông dân chưa thật rõ nét.
Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm hài hòa giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Đây là một trong bảy nhiệm vụ trong Nghị quyết 26. Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng thì hiện nay có khoảng 85% lao động ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo. Số liệu thống kê của Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo của cả nước là nông dân. Có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết, nhưng trong đó có vấn đề về dân trí, về tập tục sản xuất lạc hậu. Từ thực trạng này, Phó chủ nhiệm Hà Hùng đặt câu hỏi: có nên coi nâng cao trình độ dân trí cho nông dân, cho đồng bào dân tộc thiểu số là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo bền vững không?
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Nghị quyết xác định: xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Nhưng thực tế, trong ba mảng có quan hệ chặt chẽ và biện chứng nêu trên thì mảng nông dân dường như chưa được quan tâm đúng mức. Nông dân của nước ta hiện nay đa số vẫn là những hộ sản xuất quy mô nhỏ, trong đó có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác. Tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đang khiến hàng triệu nông dân thiếu việc làm hoặc không có việc làm...
Với mong muốn giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân một cách căn cơ và bản chất hơn, Tổng bí thư xác tín: nói nông dân không phải là ban ơn, không phải chỉ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần là đủ. Đây là mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển giai cấp nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là nguồn lực trực tiếp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Vậy thì, trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa lớn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập thì giai cấp nông dân có sự biến đổi như thế nào? Nếu có biến đổi thì sự biến đổi này là tất yếu kinh tế hay chỉ là ngẫu nhiên? Nhận thức, giác ngộ của nông dân trong tình hình mới hiện nay ra sao? Mặt bằng dân trí, ý thức nông dân là chủ thể của quá trình phát triển giữa các vùng miền có sự khác nhau không? Quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ra sao?... Đây rõ ràng không phải là vấn đề của từng địa phương, từng vùng miền mà phải từ Trung ương. Riêng đối với nông dân thì phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, trang bị kiến thức mới, nêu cao tinh thần làm chủ của nông dân. Nhà nước có trách nhiệm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để nông dân thực sự phát huy vai trò chủ thể của quá trình phát triển.
Giai cấp nông dân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức quyện chặt, kết thành khối thống nhất là động lực của cách mạng
Tính từ mốc Đại hội XI của Đảng đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhậm chức được hơn 8 tháng, trong đó có đến hơn 7 tháng là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch QH. Với cương vị Người đứng đầu Đảng ta, Tổng bí thư đã có cuộc làm việc đầu tiên với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ điểm của cuộc làm việc này liên quan tới nội dung mang tính thời sự: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Ngay sau đó, Tổng bí thư đã đến với giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và gần đây nhất là giai cấp nông dân thông qua việc kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết liên quan.
Hiện thực và gần gũi, việc kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện ba Nghị quyết nêu trên nhằm cụ thể một tư tưởng vừa được thảo luận và thống nhất tại Hội nghị lần thứ Hai, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI là đã ra Nghị quyết thì phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, không nên ra nhiều Nghị quyết.
Còn bản chất và chiến lược hơn thì bởi vì giai cấp nông dân là nhóm dân cư đông nhất nước ta hiện nay. Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ. Sự tăng trưởng vững chắc của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua không chỉ có ý nghĩa ổn định về kinh tế mà còn góp cho việc giữ ổn định chính trị, xã hội.
Phát triển sản xuất nông nghiệp là nền tảng của chủ trương xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân. Giai cấp nông dân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức quyện chặt, kết thành khối thống nhất là động lực của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới. Sự khởi sắc và phát triển mạnh mẽ của ba lực lượng này tạo nền tảng kinh tế – xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment