07:05 | 30/06/2011
Sau kỳ họp thứ nhất, các chức danh của HĐND đã được củng cố, ổn định và đi vào hoạt động. Đối với những chính khách mới bước vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, phải làm gì, làm như thế nào… là những trăn trở, thôi thúc hiện hữu. Nên chăng, từ những lời hứa của các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử, HĐND xây dựng chương trình hoạt động, đưa những tâm tư, nguyện vọng của cử tri vào nội dung giám sát của Thường trực và các ban HĐND…
Bầu cử đại biểu HĐND đã thành công tốt đẹp, Kỳ họp thứ Nhất của HĐND cũng vừa kết thúc, mọi người như nhẹ nhõm, an nhàn hơn. Các chức danh của HĐND đến vị trí làm việc - những chủ nhân mới hơi ngỡ ngàng lạ lẫm. Phòng ốc của người tiền nhiệm khá rộng, tủ đựng đầy tài liệu và sách pháp luật, dù mới để lại thôi, nhưng như đã lâu ngày thiếu hơi người vào ra... Có lẽ phải xoay lại hướng bàn ghế ngồi làm việc, cho mua bộ ấm chén tiếp khách mới, thay đổi rèm che cửa cho ấm áp... Cao và sang trọng hơn nữa, muốn cải tạo phòng làm việc, sắm sửa thêm nội thất, đề nghị thay xe mới và tài xế, thay đổi vài nhân sự của cơ quan tham mưu giúp việc... Tất cả những điều đó có lẽ chưa cần thiết và cũng không nên! Vì trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, không có người “trao quyền” nào mong muốn và yêu cầu như thế cả. Vả lại, chúng ta đã hơn một lần hứa hẹn: chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, đẩy lùi lạm phát, phòng chống tham những...
Cũng như nhiều lãnh đạo khác, đại biểu HĐND phải tiếp tục và thường xuyên học tập, nghiên cứu chủ trương, chính sách, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ... Các chức danh của HĐND hơn ai hết cần nghiên cứu kỹ luật pháp, cần thiết cho công việc trước mắt như: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp năm 2005, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004. Rồi, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ, công chức... Xem thêm Quy chế của HĐND địa phương mình, Quy chế của Thường trực HĐND với các cơ quan hữu quan, Quy chế nội bộ cơ quan... để vừa thực hiện vừa hình thành ý tưởng tham gia xây dựng lại các quy định mới theo thẩm quyền cho phù hợp với những quy định chung. Cũng cần phải đọc lại Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiều văn bản khác, chuẩn bị hành trang để tham dự hội họp thường xuyên. Tại các hội nghị, không thể phát biểu chung chung hoặc ngồi lặng im mãi, đừng để mất vị thế của HĐND ngay những ngày mới nhập cuộc. Đúng, nếu không biết thì không có việc để làm, mà biết lại làm không hết việc.
Càng nghiên cứu kỹ luật và những quy định liên quan, càng thấy HĐND có nhiều chức năng, nhiệm vụ. Điều đó được khẳng định từ vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vai trò đại diện của cơ quan dân cử và xuất phát từ thực tế hoạt động của HĐND qua hàng chục nhiệm kỳ. Với tư cách là cơ quan được cử tri và nhân dân ủy quyền, quyền lực vẫn thuộc về người dân. Hoạt động của HĐND trước hết phải bắt nguồn từ ý chí và nguyện vọng của cử tri, phục vụ lợi ích của nhân dân. Đại biểu HĐND không thể quên trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua, chúng ta đã đến rất nhiều nơi, được trình bày chương trình hành động, kế hoạch công tác trước nhân dân; hơn nữa, được nghe rất nhiều kiến nghị, đề xuất của bà con… Những cán bộ lãnh đạo ở địa phương đã thay mặt ứng cử viên hứa trước cử tri, trước đồng bào rất mạnh mẽ, rất rõ ràng và tâm huyết. Bây giờ nên biến những lời hứa đó thành kế hoạch, chương trình công tác của HĐND. Và, ai đã hứa với cử tri những gì thì ghi tạc vào lòng để thực hiện trong suốt 5 năm hoạt động. Ý kiến đề nghị của cử tri cũng đã được UBMTTQVN tổng hợp đầy đủ và báo cáo với HĐND tại Kỳ hợp thứ Nhất, Thường trực và các ban của HĐND cần nghiên cứu kỹ, phân loại cụ thể báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trong tiếp xúc vận động bầu cử của từng ứng cử viên để xem xét, đưa vào chương trình công tác và nội dung hoạt động giám sát của HĐND - Đó là hành động thiết thực đầu tiên đối với những người đã tin tưởng, trao cho đại biểu của dân quyền hạn chính trị cao nhất.
Chương trình giám sát của HĐND, nhất là những nội dung giám sát thường xuyên năm 2011 đã được HĐND khóa trước thông qua tại kỳ họp cuối năm 2010. Vì vậy, chúng ta không thể đưa được nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri vào nội dung chương trình giám sát của năm nay được, mà cần phải kết hợp bố trí dần trong nhiều năm sau. Trước mắt, cần chọn một vài vấn đề thực sự nổi cộm, bức xúc nhất của nhiều cử tri, như: môi trường bị ô nhiễm, công tác khám chữa bệnh... để bổ sung vào nội dung chương trình giám sát. Cần sắp xếp kế hoạch, bố trí thời gian để Thường trực hoặc các ban của HĐND tổ chức giám sát một chuyên đề theo kiến nghị của cử tri, trong quá trình các ứng cử viên vận động bầu cử. Đây là nội dung mới và có ý nghĩa quan trọng của chương trình giám sát đầu nhiệm kỳ nên còn thiếu kinh nghiệm, rất bỡ ngỡ và nhiều khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan nhưng khi đã làm thì phải làm thật tốt để tạo được ấn tượng ngay từ đầu. Để cuộc giám sát có hiệu quả, cần có kế hoạch thật chu đáo, huy động lực lượng có kỹ năng và nghiệp vụ, nhất là những người có kinh nghiệm; tổ chức khoa học, bài bản, làm việc nghiêm túc, tích cực. Đặc biệt, kết quả giám sát cần tổng hợp đầy đủ và phải được trực tiếp trình bày tại kỳ họp cuối năm để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận, chất vấn, tạo sự đột phá ngay bước đầu thực hiện chức năng giám sát của HĐND.
Mở đầu một nhiệm kỳ mới, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu điều phải giải quyết để đáp ứng được những kỳ vọng chính đáng của cử tri. Thường trực và các ban của HĐND cần phải nghiên cứu kỹ, học hỏi nhiều để nhanh chóng trở thành nòng cốt, khởi xướng và tạo động lực cho mọi hoạt động của HĐND. Đó là thực hiện trách nhiệm chính trị lớn lao mà chúng ta đã hứa trước cử tri và nhân dân.
Trần Quảng
No comments:
Post a Comment