Vai trò của nghị viện
07:38 | 01/07/2011
Vai trò của nghị viện các nước được thể hiện qua phạm vi thẩm quyền của cơ quan này. Căn cứ vào phạm vi thẩm quyền, có thể chia ra ba nhóm nghị viện: Nghị viện với thẩm quyền không hạn chế, nghị viện với thẩm quyền bị giới hạn tuyệt đối, nghị viện với thẩm quyền bị giới hạn tương đối.
Cuộc họp của Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ |
Nhóm thứ nhất là những nghị viện với thẩm quyền không hạn chế: Đó là Nghị viện ở những nước tuyên bố về tính tối cao của Nghị viện và trao cho Nghị viện quyền được thông qua các luật lệ về tất cả các vấn đề. Ví dụ điển hình ở đây là Nghị viện Anh. Các nhà nghiên cứu người Anh cho rằng tính tối cao của Nghị viện Anh bao gồm: Tính tối cao của luật (luật có hiệu lực pháp lý cao hơn mọi văn bản pháp quy của các cơ quan chính quyền khác, không một cơ quan nào ngoài Nghị viện có quyền ban hành luật; Quyền chuẩn y ngân sách Nhà nước và các loại thuế; Trách nhiệm tập thể của Chính phủ trước Nghị viện; Quyền phê chuẩn sự bổ nhiệm các quan tòa; Không có những quyền lực cạnh tranh tương tự. Hiện nay, các nước khối thịnh vượng chung cũng thuộc nhóm này khi quy định Nghị viện có quyền thông qua, bác bỏ hoặc thay đổi bất kỳ luật nào.
Hiến pháp Nhật Bản 1946 trong Điều 41 quy định: “Nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao và là cơ quan lập pháp nhà nước duy nhất ” và không quy định cụ thể quyền hạn của cơ quan này - từ đó có thể thấy Nghị viện Nhật Bản không bị giới hạn về thẩm quyền.
Phần lớn Quốc hội các nước XHCN trước đây cũng thuộc nhóm này. Tuy nhiên, trên thực tế “cơ quan lập pháp tối cao” chỉ họp vài ngày trong một năm, còn đại biểu thực hiện chức năng của mình trên cơ sở không chuyên trách nên nhà lập pháp XHCN đã đưa ra những giới hạn cụ thể thẩm quyền, và kết quả là chỉ còn lại rất ít những gì từ nguyên tắc thẩm quyền không hạn chế.
Nhóm thứ hai gồm những nước có nghị viện bị giới hạn thẩm quyền tuyệt đối. Ví dụ điển hình ở đây là Cộng hòa Pháp. Hiến pháp 1958 qui định cụ thể trong các điều 34, 35, 49 những vấn đề mà Nghị viện có thể ban hành luật và các quyết định khác. Mọi vấn đề bất kỳ khác thuộc về thẩm quyền của Chính phủ. Nếu Nghị viện vượt qua giới hạn cho phép và ban hành luật về vấn đề không được qui định trong Điều 34 của Hiến pháp, thì theo Điều 37 đạo luật đó có thể bị thay thế bằng một pháp lệnh (ordinance) của Chính phủ do Tổng thống ký. Thẩm quyền bị hạn chế tuyệt đối cũng thường gặp ở nhiều nước đang phát triển trước đây là thuộc địa của Pháp như Congo, Madagascar, Senegal, Gabon...
Thường gặp hơn là thẩm quyền bị giới hạn tương đối của nghị viện ở các nước theo chế độ liên bang và những nhà nước đơn nhất phi tập trung. Tại những nước như vậy thẩm quyền của chính quyền trung ương bị giới hạn bởi những quyền hạn của các chủ thể liên bang hoặc những lãnh thổ hành chính khác, vì vậy Nghị viện cũng chỉ có thể hoạt động trong khuôn khổ đó.
Ví dụ như Tu chính án thứ X, Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 quy định “Những thẩm quyền không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị cấm đối với tiểu bang sẽ thuộc về các tiểu bang hoặc nhân dân”. Như vậy Quốc hội Mỹ chỉ có thể thực hiện những thẩm quyền mà Hiến pháp trực tiếp trao cho (Ví dụ Chương 8, Điều 1) hoặc Hiến pháp cấm các bang thực hiện (Chương 10, Điều 1).
Hiến pháp Tây Ban Nha có những điều chỉnh ít nhiều khác biệt. Trên cơ sở Điều 149 của Hiến pháp Tây Ban Nha, có thể rút ra rằng Nghị viện Tây Ban Nha có thể đưa ra những qui định, trước hết về lĩnh vực lập pháp: trong phạm vi thẩm quyền thuộc về chính quyền trung ương; trong phạm vi thẩm quyền của các vùng tự trị nhưng chưa được điều lệ của những vùng đó điều tiết; trong phạm vi thẩm quyền của các vùng tự trị nhưng xuất hiện yêu cầu khách quan phải thống nhất lại sự điều tiết của vùng tự trị đó.
Minh Thy
No comments:
Post a Comment