Hồi tôi còn nhỏ, ăn cơm Tây, lấy vợ đầm thường được cho là chuyện sang trọng, nhưng cũng là ảo tưởng, chỉ nằm trong ước mơ. Thời sự biến chuyển, số mệnh đưa đẩy, thế rồi nhiều chuyện không tưởng cũng được thực hiện…
Riêng phần tôi, ăn cơm Tây không phải là chuyện xa vời. Thời tiểu học, khoảng những năm đầu thập niên 40, tôi ở nhà anh tôi ở Vĩnh Điện, tỉnh lỵ Quảng Nam. Anh tôi ham mê quần vợt, lập hội, xây sân rồi cùng bạn bè tập dượt. Có khiếu nên anh tiến bộ nhanh chóng, dần dần tại chỗ anh không tìm ra nhiều đối thủ cùng mức. Thế là cuối tuần, chủ nhật, anh hay đi chơi ở các câu lạc bộ Hội An (hồi ấy thường gọi Faifo) hay Đà Nẵng (thời Pháp mang tên Tourane, nói ghép Tour Han - không đọc chữ H - từ tên địa danh Tháp Hàn, tựa như Baie d’Along thay vì Vịnh Hạ Long). Lắm khi tôi được đi theo, hai thành phố nầy không xa Vĩnh Điện bao lăm.
Đi Hội An thì ăn tiệm Tàu. Tại Đà Nẵng, thỉnh thoảng anh tôi đem tôi đi ăn cơm Tây. Món ăn thường là bít tết với đậu Hà Lan (beefsteak-petis pois). Tôi còn nhớ lần đầu vụng về tập sử dụng dao nĩa, nhưng anh tôi đoán biết trước, chọn bàn trong góc phòng để ít khách trông nhìn. Cái khó là cắt thịt giữa một dĩa đậu, trượt dao một tí là đậu văng ra khỏi dĩa, nhất là khi dao không bén lắm. Nhưng dần dần rồi cũng quen. Hồi ấy chưa thấy có phó mát trong các quán cơm. Thức ăn nầy tôi được nếm lần đầu năm 1947, khi còn là học sinh trung học, tôi mở lớp dạy con trẻ chiều thứ tư tại nhà anh tôi trên đường Bờ sông An Cựu. Một em bé có mẹ bán hàng cho lính Pháp một hôm đem biếu tôi một bao kẹo kèm thêm chewgum và một gói bọc nhôm sạch sẽ trông rất hấp dẫn. Sau khi bãi lớp, các em ra về, tôi mở nhôm ra, cắn vào, hy vọng một món ăn ngọt ngào, không ngờ là một thức ăn nồng thúi chưa bao giờ thưởng thức: đó chỉ là một phó mát nhẹ nhất, loại Con bò cười thường thấy bán ngày nay nhưng là nếm lần đầu nên có một cảm giác khó chịu, tương tự mùi vị sầu riêng đối với những người mới ăn lần đầu tiên. Sau nầy, nhiều bạn bè quen biết bên nhà qua ghé lại thăm, nhà tôi thường cho dọn phó mát cuối buổi ăn, thì thấy không mấy ai thích tuy phó mát - rượu đỏ là món thường rất được thưởng thức của người Pháp và nói chung người phương Tây.
Lần sau đó tôi ăn cơm Tây là ở trên chiếc tàu thủy La Marseillaise chở hành khách từ Sài Gòn qua Marseille cuối thập niên 40. Chỉ trong thời gian không đầy mười năm mà từ một thằng bé chân không, quần đùi chạy bắn chim trên đồi hoang sim tím, tôi trở thành một sinh viên được may mắn đi du học bên phương trời Tây xa thẳm. Ăn cơm Tây lần nầy không sang trọng bằng ở quán cơm Đà Nẵng, có khăn bàn trắng, có khăn chùi tay,… Đi tàu hạng ba với lính chiến Pháp hồi hương, khách phải mang mâm thiếc xếp hàng lãnh phần mình rồi lên ngồi ăn trên boong tàu. Thực đơn giản dị gồm có khoai tây luộc, một miếng thịt nhỏ thêm vào một muỗng mứt. Lần nầy không có chuyện cắt thịt phiền phức vì không có dao nĩa, chỉ có một cái muỗng nên phải dùng răng cắn thịt. Thường ở bên ta hồi đó vào dịp Tết nhất mới mua khoai tây để hầm với thịt thành một món ragu rất ngon, nhưng ở đây khoai tây luộc với miếng thịt dai, có khi dù là khoai nghiền, thật khó nuốt. Giờ đây nhớ lại mà thèm da diết chén cơm mềm dẻo dù chỉ ăn với mắm ruốc hay nước tương. Sau nầy mới biết khoai tây là món quốc hồn quốc túy của người Pháp, người Đức như cơm của người châu Á. Hôm tàu ghé bến Djibouti, một anh bạn đồng hành dẫn lại thăm ông chú làm việc ở sở bưu điện, được mời ăn cơm, thế là cả bọn trẻ ăn hết kho gạo của gia đình ông ta. Gần đây tôi mới khám phá ra được một loại khoai tây giống Ratte vùng Touquet miền bắc nước Pháp, chỉ luộc thôi mà ăn thấy có mùi vị chứ không phải lạt lẽo như những loại khoai tây khác.
Món khoai tây luộc nầy theo dõi tôi trong suốt thời kỳ sinh viên ăn ở quán cơm tập thể, mọi người phải xếp hàng lãnh phần như trên tàu thủy, ở Pháp cũng như ở Đức. Có điều ở Pháp, món ăn được dọn trong dĩa đặt trên khay bằng nhựa, tươm tất hơn bên Đức, những năm 50, món ăn được múc thẳng ngay vào mâm thiếc. Tôi nhớ ở Pháp những năm ấy thèm thịt gà đến nỗi mỗi khi có trong thực đơn, cả bọn rủ nhau xếp hàng ăn một lần thứ nhì. Trong số các quán cơm sinh viên có những quán dành cho sinh viên thuộc Hồi giáo. Vào dịp lễ Ramadan, họ không ăn bữa trưa, trái lại bữa tối thực đơn tương đối khá thịnh soạn, phải trả đến hai vé. Thế là chúng tôi không nề hà xông vào. Phải nói món ăn của họ có hương vị không kém các món của ta và chắc chắn đậm đà hơn món khoai tây luộc. May ở Paris, có những quán cơm sinh viên gọi là diététique, cùng giá, thực đơn tương đối đầy đủ hơn, dành cho những cô cậu cần bồi dưỡng sức khỏe trong số ấy có những cô có mang, đặc biệt ông chồng cũng cùng được đi ăn. Thế là ngày nào còn thẻ sinh viên là cả hai vợ chồng tôi còn tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi ấy kéo dài cho đến đứa con thứ hai của chúng tôi. Thật ra cũng không quá đáng vì với ngân quỹ rất giới hạn hồi ấy, chúng tôi không có mấy dịp tu bổ thêm trong các quán cơm ngoài phố. Tôi còn nhớ hồi ấy cạnh ga tàu lửa Lyon ở Paris có những quán Tàu, nay không còn nữa, bán mì rẻ tiền. Cái sang của bọn sinh viên chúng tôi là chủ nhật kéo nhau lại ăn một tô mì khô hay mì nước độc nhất để quên mùi khoai tây luộc trong tuần.
Nói chuyện ăn uống, tôi còn nhớ một kỷ niệm thú vị. Hồi ấy công tác ở Trung tâm Khảo cứu Khoa học, tôi còn còn làm Tổng thư ký nhóm Hóa học hữu cơ của Hội Hóa học Pháp. Trong số các nhiệm vụ, tôi có bổn phận tổ chức những cuộc hội thảo của nhóm và từ đó luôn cả chuyện ăn ở của các giáo sư được mời đến thuyết minh cùng buổi tiệc liên hoan ngày cuối. Mấy tháng trước, tôi đã phải chạy kiếm một quán ăn rộng rãi có thể và nhất là bằng lòng tiếp đón một số đông khách ăn. Đây tôi mới biết nhiều quán ăn ngon ít thích đón cả một đoàn nhiều người, sợ ồn ào. Tôi cũng là người chỉ định loại rượu sẽ kèm theo các món ăn: nhãn hiệu Saint-Amour tôi đã từng thưởng thức mùi vị nồng mà bùi thích hợp với thực đơn hôm ấy. Lúc bắt đầu tiệc, người dọn bàn cần trình bày chai rượu vừa mới khui để được chấp nhận trước khi rót vì rượu có thể có mùi hư hay mùi nút chai. Thường anh ta đưa đến một vị cao niên mà anh cho là người chủ tọa buổi tiệc, nhưng trước mặt biết bao là giáo sư, có ông già lụm khụm, có ông râu ria xồm xoàm, biết ai là người có ưu tiên, cuộc đánh giá rất là tế nhị. Đằng khác anh chỉ biết có một mình tôi là người đã đến đặt hàng, nên không do dự lâu, anh đến xin tôi nếm thử rượu. Thế là tôi đứng dậy, trước mặt tất cả các khách quan các nước, giáo sư, tiến sĩ, kẻ trẻ người già, hai mắt nhìn về phía tôi chờ đợi một phán xét, tôi, một người Á Đông giữa những khách phương Tây sành rượu, lại tương đối trẻ, trịnh trọng nâng cốc nhấm nháp, lưỡng lự suy nghĩ rồi mới gật đầu cho phép dọn rượu. Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có được một vinh hạnh bất ngờ như vậy, ngang hàng với nỗi hân hoan hôm dạ hội Trường Quốc gia Cao đẳng Hóa học, tôi và nhà tôi trịnh trọng bước lên thang lầu hội trường giữa hai hàng sinh viên nam nữ y phục chỉnh tề vui vẻ đón chào khách quan…
Ta có câu nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Lấy vợ đầm, khác với bên Mỹ mỗi cộng đồng có tổ chức riêng biệt, tôi nghĩ định cư ở đất Pháp, muốn hội nhập thì cần phải sống theo kiểu Tây, nhưng cũng phải làm sao tránh quên nếp sống, nguồn gốc của ta. Tôi nhận thấy trong nhiều cặp vợ chồng dị chủng, ăn ý với nhau là khi đôi bên tham hiểu văn hóa của nước mình và sẵn sàng đón nhận văn hóa của người bạn đường. Muốn được vậy cần phải mất công, bỏ nhiều thời gian tìm hiểu nhau, tìm hiểu văn hóa đôi bên, trước khi quyết định một cuộc sống chung. Thật ra chân lý nầy không phải chỉ cần thiết trong hôn nhân dị chủng. Tôi còn nhớ ở bên nhà lúc trước có những người đi làm rể hằng tháng, hằng năm. Buồn cười là có trường hợp một anh ít át, lui tới mãi mà không biết tỏ tình cho đến khi cô gái đi lấy một ông chồng khác. Ngày nay, rất đáng tiếc là thời gian làm quen, tìm hiểu, một thời kỳ biết bao đẹp đẽ, sống động, hiếm có, có khi độc nhất trong đời, rút ngắn lại, có khi vài ngày, lắm lúc vài giờ. Có người đùa khoe gặp nhau ban sáng, hôn nhau buổi trưa, tối đã ăn nằm với nhau… Ngoài chuyện phụ nữ Việt hiếm có ở Pháp hồi trước, lại khó tính (phi đại học bất thành phu phụ!), cũng nên khoan dung đối với những sinh viên trẻ tuổi du học nhiều chục năm trước khi có đoàn người Việt di tản ồ ạt đổ bộ lên đất Pháp. Hồi ấy, một bọn trẻ chúng tôi hay chạy theo một cô gái đẹp con một ông chủ quán cơm ở xóm La Tinh, rút cuộc người được trúng điểm là một anh chàng thạc sĩ (agrégé Pháp ít có vì thi khó, loại bằng của các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm) thật xứng đôi vừa lứa, nhưng rồi đôi trai tài gái sắc cũng chẳng chịu đựng được sức tàn phá của thời gian. Ngày đi học, tối tạm đi làm những công việc không cần chuyên môn như rửa chén, dọn bàn trong quán ăn, họ ít còn thì giờ tìm kiếm bạn đường. Quen biết giới hạn trong số những người cùng làm việc, thường là những cô gái Pháp cùng số phận ở tỉnh lên kiếm việc làm nơi chốn phồn hoa, hay những cô người nước ngoài rời bỏ xứ sở đi tìm hạnh phúc nơi thành phố ánh sáng, cũng tạm rửa chén, dọn bàn trong lúc kiếm cách tiến lên trên thang cấp xã hội. Không thận trọng trong quan hệ thỏa mãn sinh lý bình thường cần thiết vào tuổi thanh niên, thường là bất ngờ, chắc chắn không định trước, một đứa con ra đời. Ngang đây, một đức tính cần nhấn mạnh là người Việt ta ít ai bỏ rơi con cái, khác với lính tráng những quân đội viễn chinh ngoại quốc đã từng quấy nhiễu nước ta. Thế là cưới nhau mà ít hiểu biết nhau. Đây có thể là bước đầu trả lời câu hỏi một vị giáo sư bên nhà đã đặt cho tôi: tại sao trí thức Việt ta ít thấy người lấy vợ đầm khoa cử?
Những cuộc hôn nhân gấp gáp nầy để vớt vát tình thế khó tồn tại lâu dài. Tình yêu xác thịt, dù là giữa trai thanh gái lịch, nói như khi chứng minh một phương trình toán học, là điều kiện cần nhưng không đủ để đạt đến hạnh phúc, khác xa tình yêu lãng mạn thời xưa bên ta. Một anh bạn của tôi quen một cô nữ khán hộ khi anh phải nằm ở bệnh viện nhưng cưới nhau quá mau nên tuy mức xã hội đồng đều, họ sớm bỏ nhau. Tôi có nghe một người quen sung sướng bảo ngày nay có thể tự do rời bà vợ chịu đựng từ nhiều năm nay vì đứa con không mong muốn đã thành người, khỏi phải phiền lụy ông cha nữa. Tuy nhiên, một người quen khác, lúc trẻ đi rửa chén trong quán cơm, chịu khó học hành và trở thành khảo cứu viên khoa học, có chân đứng vững vàng trong xã hội. Nhưng bà vợ gặp vào dịp đó, không chịu học hành gì, vẫn luôn còn ở địa vị người dọn nhà, tuy đảm đang, không theo dõi được ông chồng trong mọi lãnh vực. Rút cuộc, không bao giờ thấy bà trong các buổi tiếp tân, trong các cuộc gặp gỡ các bạn đồng nghiệp. Tôi chắc ở trong nhà họ cũng chẳng có những cuộc bàn cãi trí thức, thích thú cần thiết cho một người có học. Cặp vợ chồng nầy không bỏ nhau nhưng thấy như mỗi người sống một thế giới riêng trong cùng một không gian. Tôi đã nêu ra vài thí dụ thường gặp nhưng không phải cuộc hôn nhân dị chủng nào cũng thất bại như vậy. Lúc tôi còn nhỏ, có thầy Nguyễn Dương Đôn đem vợ đầm về Huế, chiều chiều thấy hai vợ chồng vui vẻ chèo chiếc thuyền nhỏ périssoire trên sông An Cựu, nghe nói rất tâm đầu ý hợp với nhau. Có nhiều cặp vợ chồng gặp nhau khi còn học ở trường hay khi đi làm trong công sở thì mức trí thức rất tương đương, dễ ăn ý với nhau. Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng, anh người Việt, chị người Pháp, cả hai đều là giáo sư đại học thì chắc là không phải tình cờ mà gặp nhau. Trong phòng thí nghiệm của tôi có anh bạn cưới cô sinh viên được anh chỉ dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ, tuổi tác hơi xênh lệch một tí nhưng không thành vấn đề mỗi khi đã đồng chí hướng. Có điều họ không liên lạc với cộng đồng người Việt, một phần có lẽ lỗi tại anh chồng đã sống lên trong môi trường Pháp từ bên nhà nên anh thường lãnh đạm với quê hương, phần kia là vì cô vợ Pháp không chịu bỏ công tìm hiểu văn hóa quê chồng. Và đây là một vấn đề nan giải thường đã có xảy ra trước đây ở một vài gia đình Việt-Pháp…
Ngày nay trong đám trai trẻ, cô gái Pháp muốn đi lại với anh thanh niên Việt lẽ tất nhiên một phần vì cảm phục đức tánh của anh ta nhưng một phần khác cũng là vì đất nước của anh chàng đã có sức quyến rũ. Vì vậy tuy có vợ Pháp, nhiều người Việt đã về nước công tác, đằng sau có bà vợ thúc đẩy. Tôi tự hỏi về bản thân tôi, tại sao một cô gái trẻ Pháp mới tốt nghiệp trường Sư phạm vào giữa những thập niên 50, mặt mày xinh xắn, tính nết nhu mì, trong lúc cuộc chiến Việt-Pháp đang thao diễn dữ dội trên đất nước ta, lại muốn giao dịch với một sinh viên quê Huế chưa đỗ đạt gì cả và đồng ý chịu cùng lập gia đình vài năm sau chiến dịch Điện Biên, trong khi không thiếu trai trẻ trí thức bản xứ to lớn đẹp trai, bằng cấp đầy túi. Vẫn biết cô đã đọc nhiều sách về Á Đông trước khi gặp tôi nhưng câu trả lời có thể tìm ra ở cuộc giao hảo trong môi trường văn hóa. Khi cả đôi bên dựa lên kiến thức về văn hóa của mình để kiếm cách học hỏi, tìm hiểu văn hóa của người bạn đường thì tất nhiên trí óc rất dễ gặp nhau trên lối đi qua lại dẫn đến một mối tình thắm thiết. Chúng tôi đã làm quen với nhau trong một cuộc khiêu vũ trên công trường Sorbonne ở Paris nhân lễ quốc khánh Pháp năm lịch sử 1954, nhưng phải xa nhau ngay vì tôi đã sẵn khăn gói lên đường đi du học Thụy Sĩ. Trong những năm xa cách, qua những bức thư, chúng tôi đã mặc sức tâm tình, có khi còn dễ dàng hơn khi gặp mặt. Và đây hết còn chuyện chủng tộc mà chỉ là giao lưu giữa hai người trai trẻ cùng cảnh ngộ chia sẻ nhau một lý tưởng về cuộc đời. Ngày nay, trong nhiều nước, trai trẻ ăn ở với nhau để tìm hiểu nhau, có khi có con với nhau rồi mới cưới nhau: họ có lý một phần nào nhưng cuộc sống chung không ràng buộc cũng có những bất tiện của nó. Trong lãnh vực gia đình, tôi thường được đánh giá là người chồng, người cha kiểu mẫu: tôi không nề hà chẳng hạn bồng con cho bú sữa trong bình, tắm rửa nó khi còn nhỏ,… Hôm về vùng Morvan quê vợ, nơi đàn ông là những đấng trượng phu không chịu nhúng tay dù chút ít về việc nội trợ, họ ngạc nhiên (và chắc cũng chẳng đồng ý nhưng không dám nói ra) thấy một ông tiến sĩ chùi đít cho con hay tắm rửa cho nó…Kết quả là ngày nay các con tôi, dù trai hay gái, khoa cử đại học, đều theo gương mẫu tôi trong sự hân hoan của người bạn đường Pháp.
Học trung học trong những năm chiến tranh, thiếu điều kiện và thì giờ, tôi chỉ chú trọng đến những môn khoa học cần thiết để thi cử mà bỏ rơi phần lớn những môn về văn hóa. Khi sống trong một môi trường tân tiến, tôi mới thấy lỗ trống trong vốn liếng kiến thức của mình. Cô vợ tôi cũng thấy vậy nên, ngay từ thuở sinh viên thiếu thốn, cô luôn kiếm cách đưa tôi đi viếng các viện bảo tàng, kiếm sách cổ điển cho tôi đọc sau đó đưa đi xem những vở kịch trình bày các cuốn sách kia,… để tiếp nhận một ý niệm về văn hóa mà mọi học sinh học Pháp tốt nghiệp trung học phải có. Trái lại, nhất là khi chúng tôi có ý định về Việt Nam sau khi học xong, qua ảnh huởng của tôi, cô đi học ngôn ngữ, văn minh nước mình. Không phải tình cờ mà ngay sau khi cưới nhau, cô đã ghi tên ở ban tiếng Việt ở Trường Viễn Đông Sinh Ngữ mà cô theo học song song với Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tuy không có gì khó khăn lắm ở tuổi thanh niên ham học nhưng phải tổ chức thời khóa biểu và nhất là luôn phải có một lòng cố gắng dai dẳng, một mối tin tưởng không bờ. Sau nầy, sau mấy chục năm giảng dạy hóa học ở Đại học, vào lúc về hưu, cô lại tiếp tục lết ghế nhà trường đi học tiếp tiếng Việt và lấy chùa Thiên Mụ làm đề tài luận văn cử nhân ngôn ngữ và văn minh Đông Á. Tôi mừng thầm, nếu không nói thạo tiếng Việt, cô đã chịu bỏ công tìm hiểu sâu rộng tâm hồn Việt Nam tất nhiên góp phần vào tình yêu ông chồng. Tôi còn nhớ những năm 60, trong báo Bách Khoa, chị Mộng Trung có bài công kích hôn nhân Việt-Pháp và gây lên một cuộc bàn cãi hào hứng. Trong bài tựa cuốn
Gửi thương về Huế của tôi, anh bạn Cao Huy Thuần có nhắc lại “hồi hấp dẫn nhất” nầy và đi đến kết luận: anh chị là những người hiếm hoi có khả năng làm tôi mất lập trường!
Tôi mừng thầm tuy lấy vợ đầm, tôi đã may mắn gặp người tâm đầu ý hợp, chia sẻ chí hướng. Nhớ lại hồi báo tin cho gia đình trước khi cưới, cụ mạ tôi đã mất, chị tôi, người đã nuôi nấng tôi hồi tôi còn nhỏ, chỉ biết đời sống hằng ngày mấy bà đầm Pháp ở thuộc địa, viết cho tôi một lá thư dài, bảo tôi nếu lấy vợ đầm thì không khéo phải đi chợ, nấu ăn, rửa chén, xuốt nhà, có khi còn phải dẫn chó của vợ đi chơi. Chị cũng có một đoạn bảo tôi dịch lại nội dung cho cô vợ tương lai của tôi: cô phải biết về ở Việt Nam, cô sẽ không có điều kiện ăn ở như ở Pháp đâu, nhà cửa thiếu tiện nghi, đời sống rất chật vật và chưa chắc vợ chồng có khả năng thuê mướn một đoàn bồi bếp hầu hạ trong nhà. Cô phản ứng ngay: quê em ở vùng Morvan xa lánh, bếp không có nước chảy, nhà không có máy sưởi, phòng tắm, cầu tiêu,…thì chắc cũng chẳng hơn gì điều kiện sinh sống ở nước anh! Còn chuyện nội trợ thì trong các gia đình trung lưu ở Pháp hiện nay, nhất là có con và hai vợ chồng cùng đi làm ở ngoài thì ít có ông chồng không buộc phải bắt tay giúp vợ, dù là giáo sư, tiến sĩ. Chỉ có điều tôi không phải dẫn chó của vợ đi chơi vì trong nhà chúng tôi không nuôi chó. Tuy vậy tôi có biết một cặp vợ chồng trẻ, cả hai đều người Việt, đều tốt nghiệp kỹ sư Trường Lớn, xứng đôi vừa lứa, có công ăn việc làm đàng hoàng, ở nhiệm sở có trách nhiệm lớn, tối đi làm về chậm thì đem nhau đi ăn cơm tiệm, nội trợ giảm xuống mức tối thiểu. Sống với nhau được vài năm, đôi uyên ương quyết định chính thức cưới nhau nhưng từ đây chị vợ, ngoài công việc ở sở như lúc trước, bây giờ còn phải đảm đương công việc ở nhà, tuy có người giúp việc, đầu tắt mặt tối, thế là cuộc sống chung hết còn đầm ấm và anh chị xa nhau… Bên phần trí thức, tôi không có chút trở ngại và vẫn tiếp tục tự do chăm lo văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để giữ cá tính của tôi. Tiếc thay chị tôi nay không còn nữa để thấy mặc dầu dị chủng chúng tôi sống hài hòa giữa một bầy con cháu, đến nay đã hơn một nửa thế kỷ. Có người hỏi trong gia đình ăn uống ra sao. Ít có thì giờ, thường chúng tôi ăn cơm Tây nấu cho mau, nhưng nhà tôi cũng như con cái đều sử dụng thạo đũa khi ăn cơm Việt. Thỉnh thoảng, nhà tôi hầm xương suốt tối thứ bảy nấu phở hay chúng tôi động viên tất cả con cái sáng chủ nhật cuốn chả giò! Trong nhà, mùi mắm nêm thường hòa mình với mùi những phó mát đủ loại, ngay cả Roquefort, Munster mặn nồng. Con gái chúng tôi thường hay nói, ít nhất cũng về mặt ẩm thực: cám ơn ba, cám ơn má, nhờ ba má mà chúng con hưởng thụ được luôn một lúc hai nền văn hóa. Thật ra, văn hóa bao trùm một không gian rộng lớn hơn cần phải được đề cập đủ mọi mặt trong đời sống hàng ngày. Các bạn bè thường bảo nhà tôi được Việt hóa một nửa còn tôi thì đã một phần nào thành Tây trong thái độ, cư xử. Trong lời đề tặng cuốn sách Cây nhà lá vườn của tôi, không khách sáo, tôi đã thành thật viết:
Âu yếm tặng Liliane đã cùng tôi sát cánh trên đường khảo cứu khoa học cũng như trong cuộc hành trình vào văn hóa từ thuở công tác ở phòng thí nghiệm đến thời về hưu.
Xô thành ngày kỷ niệm 60 năm định cư trên đất Pháp
V.Q.Y
(264/2-11)
--------------------------
(*) Có duyên thì xa nghìn dặm cũng tìm gặp nhau
Vô duyên thì dù đối mặt cũng chẳng gặp nhau
No comments:
Post a Comment