Monday, September 26, 2011

26/09 Eurozone kêu gọi cải tổ cách chống khủng hoảng nợ

26/09/2011 | 10:07:00


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đức và nhiều nước giàu khác đang kêu gọi thúc đẩy một cuộc cải tổ cơ bản về phương thức ứng phó với cuộckhủng hoảng nợ công mà khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt.

Các thị trường hàng hóa trên toàn cầu “lao đao" trước những nghi ngại gia tăng về khả năng trả hết “núi nợ khổng lồ” của Hy Lạp, nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone sẽ “nhấn chìm” các nền kinh tế lớn như Italy và Tây Ban Nha, đồng thời đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble mới đây đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải tìm ra một giải pháp lâu dài, có sức thuyết phục dành cho Hy Lạp.”

Trong nhiều tuần qua, lãnh đạo các nước châu Âu luôn khẳng định rằng họ đã thống nhất về các biện pháp nhằm giúp khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7/2011, sau khi quyết định cung cấp cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) các quyền ưu tiên mới và đạt được một thỏa thuận sơ bộ về gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa diễn ra tại Washington, các nhà hoạch định chính sách của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), cho biết họ đang thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược này.

Theo dự kiến, chiến lược mới sẽ giúp tăng cường nguồn tài chính cho EFSF thông qua một chương trình phức tạp, có thể cho phép quỹ này khai thác các khoản vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc huy động 440 tỷ euro (590 tỷ USD) vốn vay từ một số nguồn khác.

Ông Schaeuble cũng lưu ý rằng thỏa thuận sơ bộ về việc đóng góp tự nguyện của khu vực tư nhân vào gói cứu trợ thứ hai trị giá 109 tỷ euro dành cho Hy Lạp hồi tháng Bảy vừa qua có thể vẫn sẽ không đủ, trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này đang trở nên tồi tệ hơn sau khi bị các thanh tra nợ quốc tế kiểm tra.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) và ECB cho hay quyết định cải tổ chính sách nói trên không phải là một kế hoạch rõ ràng, đồng thời tỏ ra lo ngại rằng có thể Đức đã đánh giá quá cao về khả năng ngăn chặn khủng hoảng của Eurozone, trong khi “bóng đen” khủng hoảng nợ đã lan sang Italy và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của khu vực này.

Đầu tháng Chín này, các thanh tra nợ quốc tế tại Hy Lạp đã phải tạm ngừng thực hiện nhiệm vụ tổng kết hàng quý của họ, trong bối cảnh những tranh cãi về khả năng Athens có thể cắt giảm thâm hụt ngân sách như đã hứa trước khi nhận gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro.

Các thanh tra nợ, tới từ IMF, ECB và EU sẽ quay trở lại Hy Lạp để tiếp tục hoạt động kiểm tra, sau khi chính phủ nước này vừa công bố một số các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng rất khó để Athens đạt được các mục tiêu ngân sách năm 2011, khi mà số tiền thu được từ hoạt động tư nhân hóa của nước này có thể chỉ đạt một nửa và một số cải cách khác không nhanh chóng đem lại hiệu quả./.
Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment