Friday, February 26, 2010

Định vị ngay trong chính người dân nước mình

Tác giả: GS-TS Trần Ngọc Thơ
Bài đã được xuất bản.: 15/02/2010 06:00 GMT+7

Khi đất nước chính thức hội nhập vào sân chơi toàn cầu vài năm trước đây, ta thường dùng hình ảnh con tàu để định vị Việt Nam trong chuyến hải trình trên đại dương.

Việt Nam với mối lo lệ thuộc trong thập kỉ mới (*)

Và đúng như truyền thống, quá trình định vị đã buộc ta phải đối mặt với những con tàu khổng lồ trên thế giới - nhất là trong khu vực - với những mối quan hệ đan xen, cả hợp tác và "đối tác" rất tế nhị, rất gần và rất xa.

Định vị không khéo coi chừng con tàu Việt Nam bị nhấn chìm bởi sóng của tàu lớn. Sở dĩ phải nói điều này vì gần đây, thế giới đã có những cảnh báo cách mà những con tàu lớn rất khoái phô trương cơ bắp (flexing new muscle) hăm he các tàu nhỏ trong khu vực.

Dư luận quốc tế hàm ý đó là những con tàu cơ bắp.

Đấu trí với con tàu cơ bắp

Tuy nói với các tàu nhỏ quẹo trái nhưng thường loại tàu cơ bắp có thể bất ngờ bẻ ngoặt bánh lái sang phải (signal left but turn right) làm cho các tàu nhỏ không kịp trở tay.

Định vị như thế nào trong bối cảnh tàu cơ bắp ngày càng có xu hướng phô trương, đặc điểm mới bối cảnh địa-kinh tế-chính trị hiện nay không hề đơn giản.

Nhưng chắc chắn không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc những người có trách nhiệm lèo lái phải đổi mới cơ bản mô hình tăng trưởng kinh tế hiện hành. Cùng với đó, đó là cuộc chiến trường kỳ giành lấy chân lý, giành lấy di sản vật thể và phi vật thể trên từng tấc đất mà tổ tiên ta đã đổ máu từ các chuyến hải trình xa xưa.


Ảnh: PLTPHCM

Còn nhớ cách đây vài năm, vị chuyên gia kinh tế trưởng IMF tại Việt Nam đã khích tướng rằng bất chấp tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 10% năm vào lúc đó), phải mất 197 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore.

Có lẽ phát biểu này không có dụng ý gì xấu nhưng không ít những người có trách nhiệm vội vã "xuất tướng" quá nhanh khi xem đây như là cột mốc mà người Việt phải tăng tốc để chỉ mươi, mười lăm năm sau đó bắt kịp bạn?

Ta đã định vị con tàu Việt Nam theo cách đó.

Nhưng còn hậu quả?

Hàng loạt chiến lược tăng trưởng không tưởng được các bộ và tỉnh, thành đồng loạt triển khai. Hẳn nhiên đây là những chiến lược tăng trưởng ít thấy tương lai.

Đâu là lựa chọn khôn ngoan?

Nhìn lại việc các nước điên cuồng chạy theo tăng trưởng GDP như là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào khủng hoảng tài chính toàn cầu, tháng 9 năm 2009, Pháp đã chính thức triển khai và khuyên các quốc gia nên khởi động lại mô hình tăng trưởng nhân văn hơn - mô hình mà các nhà kinh tế đề cập trước đó hàng thập kỷ. Đó là mô hình không xem trọng GDP tăng trưởng như là thành tích của chính phủ mà thay vào đó là chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia GNH (gross national happiness).

Tổng hạnh phúc quốc gia bao gồm sự sảng khoái và hạnh phúc của người dân, môi trường trong sạch, sự đa dạng về văn hóa và tinh thần, cai trị tốt của chính phủ. Tăng trưởng nhiều nhưng đánh đổi bằng lạm phát cao, môi trường bị tàn phá và tiềm ẩn trong đó là nguồn gốc của khủng hoảng và bất ổn kinh tế-xã hội. Tất nhiên đây không thể là lựa chọn khôn ngoan.

Một nước nghèo như Việt Nam không thể nào yên tâm trước các con tàu cơ bắp nếu như không thịnh vượng về mặt kinh tế. Nhưng cần phải biết kiềm chế để đi theo mô hình ít tính hữu hình hơn so với mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào GDP. Đây có lẽ là lựa chọn khả dĩ mà người Việt Nam chúng ta cảm nhận nhiều nhất trong thời gian qua. Nền kinh tế đã bị lạm dụng quá đáng để trở thành y như là một cỗ máy tự động bấm nút vận hành phục vụ cho các con số, ý tưởng và... cả không ít ảo tưởng. Còn người dân thì cứ bấm bụng chịu đựng tình trạng giá cả ngày càng tăng, kẹt xe, lụt lội và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.

Cần chiến thắng chính mình

Đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong chiến lược phát triển và định vị lại vị thế của mình. Chẳng những trước cộng đồng quốc tế mà quan trọng hơn cả là định vị lại hình ảnh của Việt Nam ngay trong chính người dân của mình. Thay vì chủ yếu nhìn vào các nước để so sánh như đã từng ngộ nhận thái quá, điều nên làm là ta phải biết cách tự chiến thắng chính mình.

Giống như trong một cuộc thi marathon, trước hết vận động viên phải biết cách tự chiến thắng mình để về đến đích trước đã. Tự chiến thắng chính mình, một cách rất tự nhiên có khả năng đến một ngày nào đó ta sẽ bắt kịp các nước.

Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu là phải thật sự đổi mới cơ bản hiệu năng quản lý của chính phủ - một trong những thước đo chính dẫn đến tổng hạnh phúc quốc gia.

Hãy bắt đầu từ những việc mà nói mãi người dân cũng phát ngán, chắc hẳn không gì khác hơn ngoài cải cách hành chính và chống tham nhũng.

Quá nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ riêng cải cách hành chính không thôi mỗi năm tự nó cũng mang lại một hiệu quả tương đương hàng chục tỉ đôla. Đây là gói kích thích kinh tế khổng lồ mà mọi người dân đều tha thiết. Nhưng chẳng lẽ bế tắc? Hiệu năng của chính phủ chính là chỗ này đây.

Thêm nữa, bán đất, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, chạy theo lao động giá rẻ để đạt được tăng trưởng cao thì chính phủ nào cũng có thể dễ dàng báo cáo thành tích trước người dân. Nhưng đó lại là cách nhanh nhất dẫn đến tổng bất hạnh quốc gia (gross national unhappiness) và là cách dễ nhất để bị những con tàu cơ bắp nhấn chìm.

Theo Pháp Luật TP. HCM số Xuân

JICA đẩy mạnh các dự án ODA tại Việt Nam

HƯƠNG LOAN
12:08 (GMT+7) - Thứ Bảy, 20/2/2010


Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng


Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, trong tháng 3 tới, JICA sẽ ký hiệp định vốn vay đối với hai dự án là nhà ga mới tại sân bay quốc tế Nội Bài và đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân.

Đối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tiếp theo đoạn Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây, JICA sẽ xem xét cung cấp vốn vay, tùy thuộc vào tiến độ đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, JICA dự định hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc xây dựng và quản lý khai thác tuyến đường bộ cao tốc; hỗ trợ xây dựng kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Ngoài ra, sự hỗ trợ phát triển đô thị cho Hà Nội là một trong những công việc quan trọng của JICA, nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong năm 2010, JICA sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án: cầu Nhật Tân (cầu hữu nghị Việt - Nhật), hợp phần đường dẫn còn lại của cầu Thanh Trì và đường vành đai 3.

Đối với dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 nhằm chống ngập cho Hà Nội, JICA sẽ thúc đẩy xây dựng các hạng mục mở rộng trạm bơm, nạo vét và làm sạch nước các hồ trong thành phố. JICA cũng sẽ thúc đẩy việc thiết kế chi tiết và chuẩn bị đấu thầu, sớm khởi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 1 (Gia Lâm - Giáp Bát) và đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2.


http://vneconomy.vn/20100220120237879P0C10/ica-day-manh-cac-du-an-oda-tai-viet-nam.htm

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và “kỷ niệm” thú vị với lạm phát

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhìn lại chặng đường nóng bỏng của nền kinh tế hơn hai năm qua

LÊ CHÂU
17:31 (GMT+7) - Thứ Hai, 8/2/2010


Năm 2005, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã làm cho gần 500 đại biểu Quốc hội cũng như dư luận khi đó rất thích thú khi tuyên bố: “Tôi xung phong trả lời chất vấn!”.

Bởi, thời kỳ đó và có lẽ kể cả bây giờ cũng vậy, đăng đàn chất vấn đối với các bộ trưởng là công việc khó khăn và chỉ rất ít bộ trưởng có được cảm giác không... ngại. Vào những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và kéo dai dẳng sang cả năm 2009, nền kinh tế đất nước vào tình trạng vô cùng căng thẳng vì những dư chấn của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng tới, thì lạc quan và tự tin là điều mà người ta luôn thấy ở người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư.

Cách đánh giá, nhận định tình hình của ông cũng hết sức thận trọng, tỉnh táo, gai góc nhưng rất hóm hỉnh và đôi lúc pha cả chút... lãng tử.

Thưa Bộ trưởng, sự “nhạy bén” này có phải là quá trình điều chỉnh liên tục từ mục tiêu tổng quát đến các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát... từ đầu năm đến nay và cuối tháng 11/2009, chính sách điều hành lại tiếp tục chuyển hướng?

Đúng là như vậy. Sự nhạy bén không chỉ thể hiện trong việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện trong sự linh hoạt, chủ động trong điều hành.

Chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến hầu hết các nước.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích tình hình và ngay từ đầu tháng 10 năm 2008 đã có bước điều chỉnh mục tiêu hành động, trong đó xác định chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế cùng với việc kiềm chế lạm phát.

Đầu tháng 12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là sự chuyển hướng quan trọng, kịp thời, đúng đắn và cũng rất khó khăn trước tình hình diễn biến rất phức tạp, thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, sự nhạy bén trong việc nắm bắt kịp thời xu thế biến động của kinh tế thế giới cũng như những điều hành kịp thời, quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế đã giúp cho nền kinh tế nước ta không rơi vào khủng hoảng, hạn chế được mức độ suy giảm, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5,2%.

Tôi cho rằng, đây là một thành công lớn trong điều hành phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2009.

Kích cầu “đã bấm đúng huyệt”

Góp vào thành công lớn của năm 2009, không thể không nhắc đến gói kích cầu hỗ trợ lãi suất có giá trị 1 tỷ USD, một cách làm rất riêng của Việt Nam. Tại cuộc chất vấn của phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi lần đầu tiên nhắc đến gói này, một số đại biểu Quốc hội đã cho rằng Chính phủ vượt quyền Quốc hội khi “độc quyền” sáng tạo như vậy. Những cảm nhận của Bộ trưởng khi đó là gì và Bộ trưởng đã thuyết phục thế nào cho họ hết “giận”?

Tôi thấy rất chia sẻ với cảm giác này. Nhưng trong các biện pháp thì chúng ta phải có những xử lý thích ứng đối với điều kiện cụ thể. Tình cảnh đột xuất nên phải có những giải pháp đột xuất. Chính phủ phải có sự chủ động của mình.

Trước khi trả lời chất vấn trong phiên họp này thì tôi cũng nhận được một số câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và Thủ tướng chuyển lại cho tôi.

Các đại biểu hỏi: “Tại sao ở Mỹ xin Tổng thống, xin Quốc hội khi đưa ra các giải pháp xử lý còn ở Việt Nam thì không trình ra Quốc hội để xử lý?”.

Tôi cho rằng học tập kinh nghiệm của Quốc hội các nước khác là được, nhưng Quốc hội mỗi một nước có tổ chức thích ứng với điều kiện của nước đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước đó.

Ở Mỹ là chế độ Tổng thống, hành pháp chỉ một Tổng thống, cơ chế của Mỹ là một mình cá nhân Tổng thống quyết nên phải đưa ra Quốc hội để kiểm chứng tập thể.

Trong khi đó, của chúng ta là Chính phủ. Khi bàn về một chủ trương thì bàn tập thể trong Chính phủ, sau đó Chính phủ trình ra Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ tiếp thu và lại trình Bộ Chính trị. Để thực hiện chủ trương này chúng ta đã qua mấy lần tập thể bàn. Chính phủ làm như vậy, tôi cho là rất đúng quy trình.

Cùng đó là Quốc hội của chúng ta là Quốc hội không thường xuyên, trong khi Quốc hội Mỹ ngày nào cũng họp, khi Tổng thống sang xin chủ trương không được, Tổng thống về sửa vài câu rồi lại trình lại.

Còn Quốc hội chúng ta chỉ họp 1 năm 2 lần, mỗi kỳ họp 1 tháng. Nếu chủ trương kích cầu này chúng ta đợi đến kỳ họp Quốc hội mới trình thì làm gì còn tính chất nhạy bén của chương trình chính sách, lúc đó doanh nghiệp “chết hết” rồi vì tình hình kinh tế đã khác rồi chứ không phải như bây giờ!

Qua phân tích tình hình kinh tế, thị trường tài chính tiền tệ, phân tích hoạt động của doanh nghiệp khi gói kích cầu đi vào cuộc sống thì một thực tế mà tất cả chúng ta đều nhận thấy, đó là gói kích cầu này là một quốc sách đúng, bấm đúng “huyệt” của nền kinh tế, nên đã giải quyết được vấn đề.

“Kỷ niệm” thú vị với... lạm phát

Trong kỳ họp thứ 6 vừa diễn ra, Bộ trưởng đã có sự “chia lửa” với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi một lần nữa tái khẳng định hiệu quả của chính sách kích cầu cũng như hiệu quả điều hành của chính sách tài chính tiền tệ. Nhìn lại chặng đường nóng bỏng của nền kinh tế hơn hai năm qua thì những điều gì khiến Bộ trưởng thấy thú vị nhất?

Chúng ta đã kiểm điểm tình hình năm 2008, năm 2007 và đang kiểm điểm năm 2009. Phải nói rằng những chính sách lớn mà Chính phủ đã trình Quốc hội được Quốc hội thông qua là hoàn toàn đúng đắn.

Năm 2007, dưới biến động của tình hình tăng trưởng tín dụng tăng cao, đến mức 53,77%, tôi nhớ rất rõ con số đó. Tổng phương tiện thanh toán tăng đến con số 46,88% là những con số, chỉ số kinh tế vĩ mô không ổn định.

Chỉ số lạm phát, chỉ số giá năm 2007 là 17%. Quí 1/2008 tăng trưởng đột biến lên đến 10%. Trong thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến đầu tháng 4 năm 2008, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước, ngoài nước đã dự báo rằng lạm phát cả năm 2008 sẽ tăng tới 32% đến 35%!

Khi đó, tôi nhớ rằng trong kỳ chất vấn tôi tại hội trường Quốc hội vào tháng 5/2008, có nhiều vị đại biểu Quốc hội nói rằng: “Bộ trưởng dự báo chỉ số lạm phát như thế nào”, tôi có nói con số khoảng dưới 22%.

Khi đưa ra con số đó có người nói tôi là còn chủ quan. Nhưng cuối cùng thực tế với các biện pháp nỗ lực của Chính phủ chỉ số giá năm 2008 chỉ dưới 19%. Chúng ta kịp thời nắm bắt tình hình và đã có chính sách và phản ứng kịp thời.

Hay cũng về chỉ tiêu lạm phát thì còn có câu chuyện rất đáng nhớ nữa là đầu năm 2009, một trong 4 chỉ tiêu Chính phủ đưa ra Quốc hội đề nghị điều chỉnh là chỉ số CPI điều chỉnh từ dưới 15% xuống còn dưới 10%.

Nếu Chính phủ không tích cực, cứ để theo nghị quyết của Quốc hội đã thông qua từ tháng 11/2008 là giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 15% thì khả năng để phòng ngừa tái lạm phát sẽ yếu hơn nhiều.

Cho nên phải khẳng định rằng những chính sách của chúng ta đã thực hiện năm 2008 là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta là duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý với tốc độ tăng trưởng năm 2008 ở mức 6,2%, một con số tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta.

Đối với năm 2009 thì có vấn đề đặt ra là gói kích cầu của chúng ta có đúng không? Phải nói rằng toàn bộ gói kích cầu của chúng ta tính tương đương 8 tỷ Đô la, trong đó có 4 nội dung: hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, tăng vốn đầu tư, các hỗ trợ cho an sinh xã hội. Kết quả của các giải pháp đồng bộ của gói kích cầu đó là chúng ta tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý.

Những trăn trở còn lại

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng như thế giới đều đưa ra nhận định rằng thời khắc nóng bỏng và khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua trong thành công. Nhưng, như theo quy luật của mọi sự phát triển thì không có thành công nào viên mãn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về “góc khuất” của sự thành công?

Trong điều hành kinh tế năm 2009, vẫn có một số vấn đề chưa đạt được như mong muốn. Tổng thể là được nhưng đi vào cụ thể từng điểm thì có một số điểm cần phải lưu ý, rút kinh nghiệm.

Việc thực hiện gói kích cầu của Chính phủ nhìn chung là tốt, nhưng vẫn còn một vài thủ tục gây cản trở làm cho công tác triển khai chưa thật tốt ở một số nơi.

Trong đầu tư xây dựng cơ bản cho dù chúng ta đã kịp thời cải tiến, nhưng chỉ mới thực sự bắt đầu đi vào thực tế vào cuối năm, nên tốc độ giải ngân chưa cao, từ vốn trái phiếu Chính phủ đến vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các thủ tục hành chính khác như thủ tục hải quan, thuế... vẫn còn khá nặng nề, nên ít nhiều đã cản trở một số hoạt động của doanh nghiệp. Đó là những vấn đề cần phải được lưu ý để xử lý kịp thời trong năm 2010...

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trực tiếp xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2010, theo dự cảm của Bộ trưởng thì chỉ tiêu GDP của chúng ta tăng 6,5% có phải là một cái đích khó khăn không?

Theo nhiều dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2010 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó khăn còn nhiều. Kinh tế thế giới vẫn đang biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường. ở trong nước, những yếu kém vốn có của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng thấp trong năm 2009 sẽ còn ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2010 là năm nền kinh tế nước ta sẽ phát triển tốt hơn năm 2009. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua là khoảng 6,5%, nhưng tôi hy vọng, chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn 6,5%.

Nhập siêu đã “hãm phanh”

ANH QUÂN
25/01/2010 17:42 (GMT+7)

Từ mức rất cao, tới trên 2 tỷ USD trong tháng 11/2009, nhập siêu giảm còn trên 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2009 và ước tính chỉ còn 1,3 tỷ USD vào tháng này.

Tình hình nhập siêu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm nhiệt trong 3 tháng trở lại đây

Tình hình nhập siêu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm nhiệt trong 3 tháng trở lại đây.

Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2010, vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2010 ước tính vào khoảng 4,9 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 6,2 tỷ USD.

Như vậy, từ mức rất cao, tới trên 2 tỷ USD trong tháng 11/2009, nhập siêu giảm còn trên 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2009 và ước tính chỉ còn 1,3 tỷ USD vào tháng này.

Nhìn từ báo cáo, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1/2010 đều giảm hơn tháng trước. Xuất khẩu tháng này ước tính giảm kim ngạch gần 600 triệu USD, tương đương 11%. Trong khi đó, nhập khẩu giảm mạnh hơn, gần 1,2 tỷ USD, tương đương 16%.

Nguyên nhân có thể do đây là tháng cận Tết Nguyên đán, việc nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng cho dịp này đã không còn sôi động như trước. Mặt khác, nhiều sắc thuế cũng đã được điều chỉnh và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 làm tăng chi phí nhập khẩu.

Song, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tháng này lại tăng khá cao, tới 28,1% (kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 1/2009 chỉ đạt 3,719 tỷ USD), trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng so với tháng 1/2009 như dầu thô tăng 114%, cao su 87%, gạo 23%, than đá 40%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng về sản lượng như hạt điều, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn…

Kim ngạch nhập khẩu tháng này cũng tăng mạnh so với tháng cùng kỳ năm 2009, tới 86,6% (kim ngạch nhập khẩu thực hiện tháng 1/2009 chỉ đạt 3,329 tỷ USD), khi giá nguyên liệu thế giới hiện tại đã cao hơn nhiều so với tháng 1/2009, ví dụ xăng dầu tăng 53%, sắt thép 86%, kim loại thường khác 216%, chất dẻo 114%, sợi dệt 175%...

Kết quả phân tích sơ bộ từ báo cáo cho thấy, hoạt động kinh tế trên thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng và xuất nhập khẩu đã phục hồi so với cùng thời kỳ năm 2009. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm trong năm 2010 này

Đáng chú ý, căn cứ trên các số liệu đã công bố, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu thực hiện năm 2009 đã được chốt chính xác. Theo đó, nhập siêu năm 2009 chính xác là 12,874 tỷ USD, tăng thêm hơn 600 triệu USD so với con số ước tính cách đây 1 tháng, và vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2009 gần 900 triệu USD.

* Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2010 là ước tính của Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải Quan dựa trên số liệu thực hiện trong 10-15 ngày của tháng tính toán. Kết quả cụ thể có thể thay đổi và được cập nhật trong tháng tới.

Thursday, February 25, 2010

Bàn về cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan (08-02-2010)

Cải cách và hiện đại là một yêu cầu cấp bách của Chính phủ đặt ra cho ngành trong xu thế chung. Bên cạnh đó, Hải quan còn chịu những áp lực từ bên ngoài đòi hỏi phải thay đổi toàn diện nhằm đáp ứng nhanh chóng với các nhu cầu của thương mại quốc tế ngày càng tăng và thách thức của môi trường ngày càng phức tạp do quá trình hội nhập và toàn cầu hoá mang lại.
Sự cần thiết của cải cách và hiện đại hóa hải quan
Khu vực công thường “cố thủ” trong “lô cốt an toàn” với ưu thế độc quyền, đặc quyền, đặc lợi chiếm lĩnh thị trường cung cấp các hàng hoá dịch vụ công gần như không có cạnh tranh. Nó đóng vai trò “độc diễn” và “tự khen mình” và “đòi hỏi” được nuông chiều trong nôi “quan liêu, bao cấp”. Vì vậy, nó ít khi quan tâm đến những khái niệm như “thoả mãn khách hàng”, “nâng cao chất lượng”, “cải tiến phương pháp”… những khái niệm mà khu vực tư luôn phải đáp ứng nếu muốn tồn tại. Chính những khuyết tật cố hữu đó đã làm cho bản chất của nền hành chính công kiểu cũ chậm trễ, trì trệ và thậm chí nội tại nó không có nhu cầu thay đổi, cải cách và hiện đại hoá chính mình. Tuy nhiên, cùng với thời gian các áp lực cả về chính trị và kinh tế đã buộc khu vực “thủ cựu” này phải thay đổi tư duy và hành động của mình nhằm tránh khỏi một kết cục mà có thể phải trả giá bằng chính sự tồn tại của nó. Trên thực tế, khu vực công không thể còn duy trì “quản lý cơ học” bằng cách “trói buộc” các hoạt động kinh tế xã hội “theo kiểu quan liêu, bao cấp” như trước khi mà nhu cầu nội tại của nền kinh tế xã hội đã chuyển mình mạnh mẽ cùng với tốc độ phát triển khoa học công nghệ và phương pháp quản lý. Chính vì vậy, các chính phủ đã nhận thức cần phải thay đổi, cải cách và hiện đại hoá khu vực công để đảm đương vai trò quản lý nhà nước, đối phó hiệu quả và hiệu lực hơn với sự thay đổi nhanh chóng và khách quan của đời sống kinh tế, xã hội. Khuynh hướng cải cách và hiện đại hoá các cơ quan chính phủ trở thành đòi hỏi cấp bách đối với tất cả các quốc gia muốn khẳng định vai trò quản lý nhà nước một cách hiệu quả, hiệu lực trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường.

Với tư cách là cơ quan chính phủ để cung cấp dịch vụ công về hải quan, cơ quan Hải quan đương nhiên có những đặc thù của “cơ quan công quyền, quan liêu, bao cấp, bảo thủ và trì trệ”, vì vậy cải cách và hiện đại là một yêu cầu cấp bách của Chính phủ đặt ra cho ngành trong xu thế chung. Bên cạnh đó, Hải quan còn chịu những áp lực từ bên ngoài đòi hỏi phải thay đổi toàn diện nhằm đáp ứng nhanh chóng với các nhu cầu của thương mại quốc tế ngày càng tăng và thách thức của môi trường ngày càng phức tạp do quá trình hội nhập và toàn cầu hoá mang lại.

Với đặc thù của cơ quan quản lý biên giới, hoạt động quản lý và cung cấp “dịch vụ công” của Hải quan tác động mạnh mẽ đến quá trình thuận lợi hoá thương mại quốc tế. Vì vậy, áp lực đầu tiên đối với ngành Hải quan phải kể đến là sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế như hệ quả của quá trình ứng dụng những tiến bộ như vũ bão của khoa học, kỹ thuật công nghệ và đặc biệt công nghệ thông tin trong sản xuất, thương mại và dịch vụ diễn ra ở phạm vi quốc tế. Sự thay đổi trong phương thức thương mại khiến cho quá trình giao dịch thương mại gần như “không có khoảng cách” và nó xẩy gần như “mọi lúc và mọi nơi”. Quá trình này kéo theo nhu cầu phân công hoá lao động, chuyên môn hoá ngày càng cao trong phạm vi quốc tế đối với trao đổi thương mại. Số lượng và chất lượng các bên tham gia với các vai trò khác nhau đảm bảo dây chuyền cung cấp hàng hoá quốc tế ngày càng tăng trưởng. Kết quả là thương mại đã thay đổi nhanh chóng, phát triển về cả số lượng và chất lượng hàng hoá, dịch vụ và các bên tham gia, không còn nguyên bản chất của thương mại 30, 40 năm trước. Thương mại vừa đơn giản vừa phức tạp, đa dạng và phong phú hơn trước rất nhiều. Đơn giản vì nó dường như “nhanh, gọn, dễ dàng hơn” nhưng “phức tạp” đối với quản lý vì có nhiều bên tham gia vào quá trình này và đa dạng, phong phú về phương thức cung cấp. Điều này buộc ngành Hải quan phải có nhiều thay đổi, cải cách và hiện đại hoá ngành nhằm đảm đương vai trò quản lý “mới” trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của thương mại.

Việc tham gia vào nền thương mại thế giới giúp cho các quốc gia có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, những quốc gia hội nhập nhanh chóng với nền kinh tế toàn cầu chính là những nước có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Toàn cầu hoá và hội nhập khu vực đã làm thị trường hàng hoá và dịch vụ ngày càng mở rộng và dường như không có biên giới, tạo ra thị trường cho thương mại quốc tế phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hết những cơ hội quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cũng như vượt qua những thách thức mà quá trình này đặt ra, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước cần phải được nâng cao. Số lượng các hiệp định, thoả thuận quốc tế liên quan đến thương mại ngày càng gia tăng nhanh chóng như việc hình thành các khu vực FTA, các khối liên minh hải quan, các trục phát triển, các diễn đàn hợp tác kinh tế và thậm chí cả cấp độ hội nhập cao như Liên minh Châu Âu. Điều này đồng nghĩa các rào cản thuế quan và phi thuế quan phải ngày càng giảm dần và xoá bỏ. Bên cạnh đó, các quốc gia phải cam kết vào các quá trình cải cách, thay đổi để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu hoá hoạt động kiểm soát nhằm đảm bảo tạo thuận lợi tối đa thương mại hoạt động trong khuôn khổ các hiệp định, thoả thuận. Đương nhiên, thủ tục hải quan được xem là rào cản phi thuế, vì vậy nó cần được thay đổi, cách tân quy trình thủ tục theo các chuẩn mực quốc tế và đáp ứng các cam kết quốc tế. Đây là yêu cầu cấp thiết nhưng mang đầy tính thách thức với ngành Hải quan khi tiến hành các cải cách theo con đường hội nhập, đặc biệt với các nước đang hoặc kém phát triển khi mà nguồn lực cho cải cách còn quá hạn hẹp.

Ngoài ra, một áp lực lớn đối với hoạt động của Hải quan là phải đối phó hiệu quả với mặt trái của quá trình phát triển, mở cửa hội nhập về thương mại quốc tế. Cùng với mở cửa hội nhập, tạo thuận lợi, hoạt động buôn lận, gian lận, trốn thuế, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp. Bên cạnh đó, khi bối cảnh thế giới có sự thay đổi với sự xuất hiện và gia tăng nhanh chóng của nguy cơ khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia, vai trò cũng như chức năng nhiệm vụ của cơ quan hải quan phải có những thay đổi kịp thời để đối phó hữu hiệu với các hoạt động này nhằm bảo vệ nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ lợi ích cộng đồng.

Nói tóm lại, nếu ngành Hải quan không có những thay đổi kịp thời thì bản thân nó không đáp ứng với phát triển thương mại mà còn trở thành rào cản lớn đối với thương mại, không đối phó hiệu quả với các tác động bất lợi như buôn lận, giân lận, khủng bố, do đó không làm tròn chức năng bảo vệ nguồn thu và lợi ích cộng đồng, vô tình ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Vì vậy, con đường duy nhất để giải quyết bài toán gần như mâu thuẫn trong sứ mệnh của ngành Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế vừa đảm bảo an ninh quốc gia, thực thi pháp luật và bảo vệ được các lợi ích chung của cộng đồng, hải quan cần phải nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực các hoạt động của mình thông qua những nỗ lực cải cách và hiện đại hóa.

Các yếu tố cần thiết để thực hiện thành công cải cách và hiện đại hóa hải quan

Đầu tiên, chính phủ và ngành hải quan phải đặt ra quyết tâm chính trị đối với cải cách và hiện đại hoá như sứ mệnh sống còn của ngành, xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong quá trình thúc đẩy và phục vụ tốt nhất cho sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, công cuộc cải cách cần phải được thực hiện trên cơ sở nhận thức đúng đắn về môi trường hoạt động của hải quan và phải nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ dưới dạng cam kết chính trị để có thể vượt qua những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai áp dụng các biện pháp mới. Từ quyết tâm chính trị, ngành Hải quan cần tự mình nhận thức và thay đổi tư duy quản lý, xác định chiến lược phục vụ, trở thành người cung cấp dịch vụ công về hải quan, người quản lý nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp như vai trò chính của ngành. Bên cạnh đó, Hải quan cần thay đổi tư duy về phương pháp quản lý để đảm bảo vừa tạo thuận lợi vừa nâng cao tính tuân thủ. Điều mấu chốt của vấn đề là xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, nhiệm vụ của ngành trong chiến lược phát triển cải cách và hiện đại hoá, và tiến hành với tư duy “mới”, xoá bỏ những phương pháp “kiểm soát truyền thống”.

Tuy nhiên, do là cơ quan chính phủ, Hải quan cũng chịu chi phối bởi nguồn lực hạn hẹp và có khuynh hướng ngày càng giảm. Đây chính là áp lực lớn đối với hoạt động của Hải quan. Nhiệm vụ đặt ra đối với công cuộc cải cách và hiện đại hoá Hải quan là nâng cao chất lượng dịch vụ công về hải quan đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của doanh nghiệp, công dân nhưng phải tiết kiệm tối đa nguồn lực. Chính vì vậy, giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa áp lực công việc tăng lên về số lượng và độ phức tạp, do yêu cầu ngày càng nhiều từ cả chính phủ và doanh nghiệp; trong khi đó nguồn lực công rất hạn chế và giảm dần đòi hỏi phải thay đổi tư duy quản lý bằng cách tập trung nguồn lực vào các rủi ro, không thể và không cho phép dàn trải theo kiểu cũ kém hiệu quả và hiệu lực. Điều này đòi hỏi Hải quan phải áp dụng các công nghệ, khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thay đổi, hợp lý hoá quy trình thủ tục tiết kiệm chi phí cho cả Hải quan và doanh nghiệp. Như vậy, cải cách và hiện đại hoá phải đi liền quá trình áp dụng các phương pháp quản lý khoa học, lôgíc và phù hợp với thương mại, giảm các chi phí, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Vai trò ứng dụng khoa học, công nghệ vào phương pháp, kỹ thuật quản lý của Hải quan là vô cùng quan trọng để tiến hành thành công cải cách và hiện đại hóa.

Trong bối cảnh thương mại thế giới ngày một phát triển với sự gia tăng nhanh chóng của các hiệp định tự do thương mại và không ngừng cắt giảm hàng rào thuế quan, Hải quan có thể góp phần tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp của nước mình thông qua việc tạo thuận lợi thương mại, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tối đa các chi phí nhờ áp dụng các qui trình thủ tục hải quan hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, các cam kết hội nhập. Tham gia vào sân chơi rộng lớn, có cả cơ hội và thách thức, Hải quan phải nhận thức rõ vai trò của mình trong “cộng đồng hải quan thế giới”, không thể tách mình ra để tìm một cách cải cách cho riêng mình. Hải quan chỉ có thể thành công trong cải cách nếu tìm ra hướng đi đúng đảm bảo lợi ích kinh tế của quốc gia, đóng góp tích cực và chủ động trong việc xây dựng và thực hiện các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến hoạt động hải quan như Công ước Kyoto sửa đổi, Công ước quốc tế về Hệ thống mã hóa và mô tả hài hòa hàng hóa, Hiệp định về Trị giá hải quan, Hiệp định về hài hoà Quy tắc xuất xứ hàng hóa...v.v.

Cải cách và hiện đại hoá bao giờ cũng dễ vấp phải các lực cản nhất định từ ngay nội bộ ngành và từ bên ngoài khi mà động chạm đến “đặc quyền, đặc lợi” của nhóm nhất định. Điều này đòi hỏi quá trình cải cách phải được tuyên truyền, vận động đến từng cá nhân, tạo ra cơ sở nhận thức đồng nhất, thấy được những lợi ích lâu dài và hy sinh trước mắt, đề ra các phương án giải quyết dân chủ và thoả đáng đối với nhóm lợi ích hợp pháp bị tổn thương do cải cách, tranh thủ sự đồng tình của đa số. Tuy nhiên, cải cách luôn đòi hỏi phải thực hiện những thay đổi triệt để và quyết liệt, thậm chí là những thay đổi về cắt giảm nhân sự, cách chức các quan chức lãnh đạo cấp cao hay cán bộ hải quan tham nhũng hoặc làm việc không hiệu quả. Nếu nhận thức không đầy đủ, không có quyết tâm và không có tầm nhìn chiến lược, các mục tiêu cải cách quan trọng như giảm bớt nạn tham nhũng và hỗ trợ thương mại có thể không được chuyển hóa thành các chương trình cụ thể, thậm chí bị gạt sang một bên để ưu tiên cho mục tiêu tăng thu ngân sách. Cải cách hải quan còn xuất phát từ mong muốn giảm chi phí kinh doanh và tăng tính minh bạch cho các hoạt động kinh doanh của công đồng doanh nghiệp cũng như mong muốn xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng đối với doanh nghiệp và công dân.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cải cách là yếu tố quyết định vì “con người luôn giữ vai trò trung tâm của các hoạt động”. Mọi phương pháp quản lý chiên lược đều xác định vai trò quyết định của nhân lực vì vậy cải cách và hiện đại hoá Hải quan cũng phải xác định công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm và sử dụng đội ngũ cán bộ dựa trên nguyên tắc “quản lý xây dựng năng lực”, từ bỏ lối mòn “bầu cử, bỏ phiếu theo ý kiến chủ quan mà không quan tâm thích đáng đến yêu cầu năng lực, khả năng của người khi đảm đương nhiệm vụ”. Như vậy, chiên lược phát triển nguồn nhân lực phải được xác đinh chi tiết dựa trên yêu cầu của cải cách và hiện đại hoá.

Vấn đề quan trọng cần xem xét khi thực hiện cải cách là xây dựng mối quan hệ phối hợp, hợp tác nhiều mặt với các cơ quan liên quan, với doanh nghiệp và với hải quan các nước, các tổ chức liên quan. Hải quan không thể hoạt động độc lập tại biên giới bởi bản chất của kiểm soát biên giới đòi hỏi nhiều ngành chức năng của chính phủ tham gia kiểm soát. Chính điều này cũng dẫn đến sự chậm trễ, quan liêu và tăng đáng kể chi phí cho thương mại. Cải cách và hiện đại hoá theo mô hình quốc tế là tạo ra cơ chế kiểm soát 1 cửa, 1 lần tại biên giới và khi đó Hải quan sẽ đại diện cho các ngành khác tiến hành kiểm soát biên giới. Điều này chỉ thực hiện được khi có cơ chế phối hợp quốc gia và quốc tế. Khuynh hướng chung của quốc tế về chia xẻ thông tin, cơ sở hạ tầng và phối hợp kiêm soát sẽ là mục tiêu của cải cách hiện đại hoá ngành hải quan.

Tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và các hỗ trợ khác cho cải cách là nhiệm vụ quan trọng, thâm chí quyết định mức độ thành công. Đây là vấn đề cần phải quan tâm đúng mực để quá trình cải cách có thể diễn ra một cách thuận lợi. Trên thực tế, các nguồn hỗ trợ này đóng vai trò quyết định tới mức độ thành công của các dự án hiện đại hóa và cải cách hải quan. Hỗ trợ về kỹ thuật trong lĩnh vực hải quan tương đối dồi dào và có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như hỗ trợ từ các chuyên gia, các công ty tư vấn tư nhân hay các định chế tài chính quốc tế lớn bao gồm Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi, cần phải có sự phối hợp hay điều phối đầy đủ giữa các nguồn tư vấn khác nhau. Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật thường gắn liền với hỗ trợ tài chính vì cả việc cung cấp lẫn tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật đều là những hoạt động tốn kém. Thêm vào đó, nhiều nội dung khác trong chương trình cải cách hải quan cũng đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn để thực hiện như nâng cấp để triển khai hệ thống tự động hay cung cấp hạ tầng truyền thông. Để đảm bảo được nguồn tài chính đáp ứng kịp thời được nhu cầu chi tiêu của chương trình cải cách, một trong những phương án tối ưu là xây dựng quan hệ với các tổ chức quốc tế có khả năng hỗ trợ tài chính cho các khoản chi phí lớn và khẩn cấp song song với việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cấp ngân sách cho các hoạt động trong khuôn khổ chương trình cải cách. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, sự phối hợp với các cơ quan chính phủ khác và các bên có liên quan cũng đóng vai trò rất tích cực đối với thành công của chương trình cải cách. Khi cải cách hải quan được mở rộng ra ngoài phạm vi của ngành hải quan và được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của cải cách thương mại, hiệu quả của chương trình cải cách có thể được nâng cao đáng kể nhờ có hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành khác có liên quan.

Công tác nghiên cứu, dự báo cũng đóng vai trò rất quan trọng vào khả năng thực hiện thành công cải cách. Do mức độ cải cách và mục tiêu hoạt động của hải quan mỗi nước không giống nhau nên việc nghiên cứu dự đoán để hiểu rõ tình hình hiện tại, dự báo xu hướng phát triển trong tương lai nhằm mục đích xây dựng chương trình cải cách phù hợp và đúng hướng là một trong những công việc phải ưu tiên hàng đầu trong quá trình cải cách. Công tác nghiên cứu dự đoán có thể được tiến hành trên cơ sở sử dụng các bộ công cụ và phương pháp khác nhau như các chỉ số dùng để đo lường lượng thất thoát trong thu thuế; Bộ công cụ hỗ trợ thương mại của Ngân hàng thế giới phục vụ cho công tác khảo sát các dịch vụ thương mại và vận tải; Hướng dẫn hải quan quốc tế của Phòng thương mại quốc tế; Bộ công cụ xây dựng năng lực của Tổ chức hải quan thế giới; Hướng dẫn chi tiết về đánh giá hiện trạng hải quan của Ủy ban Châu Âu.

Rõ ràng, lợi ích mà các sáng kiến cải cách và hiện đại hóa hải quan mang lại là rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, nhất là khi các sáng kiến này tập trung vào cải cách chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Cải cách và hiện đại hóa hải quan thành công có thể góp phần giảm đáng kể các chi phí thương mại và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình cải cách dễ gặp phải những cản trở bắt nguồn từ thái độ thiếu hợp tác giữa các cơ quan biên giới, phản ứng tiêu cực do những thay đổi nhân sự trong ngành cũng như hiệu quả thấp trong cuộc chiến chống tham nhũng. Để quá trình hiện đại hóa hải quan đạt được cơ hội thành công lớn hơn, các phản ứng có tác động tiêu cực cần phải được tính đến ngay trong quá trình xây dựng chương trình cải cách.

Cải cách và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam

Cũng giống như hải quan nhiều nước khác trên thế giới, yêu cầu cải cách và hiện đại hóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho hải quan Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tăng cường và thúc đẩy ngày càng mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của mình. Về cơ bản, cải cách và hiện đại hóa hải quan Việt Nam cần dựa trên những nguyên tắc áp dụng chung cho tất cả các nước nhưng phải được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng của nước mình.

Sau khi triển khai giai đoạn đầu, công cuộc cải cách và hiện đại hóa của hải quan Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Đáng chú ý là các kết quả liên quan đến nhận thức của cán bộ công chức về hiện đại hóa hải quan; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hải quan; đổi mới phương pháp quản lý hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; kiện toàn hệ thống tổ chức; tăng thu cho ngân sách nhà nước; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro cũng như các phương pháp quản lý hải quan hiện đại. Những kết quả đạt được đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình thủ tục và trang thiết bị để hải quan Việt Nam có thể tiếp tục triển khai chương trình cải cách hiện đại hóa trong các giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, một số vấn đề vẫn còn tồn tại trong quá trình cải cách hiện đại hóa, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến nhận thức của cán bộ công chức hải quan, xây dựng cũng như tổ chức thực hiện kế hoạch và sự tham gia của các bên liên quan. Những tồn tại này cần phải được giải quyết và khắc phục sớm để có thể tiếp tục triển khai chương trình cải cách trong những giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, dựa vào kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn trước, công cuộc cải cách trong giai đoạn tiếp theo cần phải lưu ý và chú trọng đến xây dựng chiến lược, công tác cán bộ, lãnh đạo, công tác phối hợp với các bên liên quan cũng như công tác giáo dục tuyên truyền.

Thứ nhất, cần phải xây dựng chiến lược phát triển ngành hải quan mang tính chất định hướng lâu dài cho cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành;

Thứ hai, đánh giá đúng vai trò trọng tâm của công tác cán bộ trong cải cách hiện đại hóa hải quan; tiến hành xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ song song với công tác đánh giá, bố trí sắp xếp, đề bạt và luân chuyển cán bộ;

Thứ ba, công tác lãnh đạo của hải quan các cấp phải đảm bảo bám sát mục tiêu đã đề ra trong chương trình cải cách và đảm bảo tính thiết thực. Ngoài ra, công tác điều phối, kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch để rút kinh nghiệm cũng cần phải được chú trọng để nâng cao tính hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo;

Thứ tư, cơ quan hải quan cần phải chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phối hợp với các cơ quan Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung để đạt được hiệu quả cao nhất trong cải cách hiện đại hóa. Thứ năm, công tác giáo dục tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện các mục tiêu cải cách cho đội ngũ cán bộ; tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của khối doanh nghiệp và các đối tác khác cũng như đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Ths. Ngô Minh Tuấn (Viện NCHQ)

http://www.tapchitaichinh.vn/Qu%e1%ba%a3ntr%e1%bb%8bn%e1%bb%99idung/ViewArticleDetail/tabid/56/Key/ViewArticleContent/ArticleId/1488/Default.aspx

Monday, February 22, 2010

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT sau 7 năm nữa

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm sau 7 năm nữa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đồng thời đưa ngành CNPM và các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của nền kinh tế.

Với chủ đề “Xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương”, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã được tổ chức ngày 16/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin (CNTT) quốc gia đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Văn bản pháp lý chưa theo kịp sự phát triển

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: CNTT quyết định tới 90% năng suất lao động của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bất cập trong quá trình xây dựng CPĐT, đó là chuyện “người cũ làm việc mới” mà cụ thể là hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý CNTT ở các địa phương đều không được đào tạo cơ bản về CNTT.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cần phải khắc phục ngay là mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và việc mua sắm, đầu tư thiết bị CNTT. Trong khi các thiết bị CNTT, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư mua sắm thiết bị “chưa theo kịp” nên đã gây ra những cản trở nhất định. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng CPĐT đòi hỏi quyết tâm cao của các địa phương.

Tại Hội thảo, báo cáo tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ ra xu hướng của Chính phủ điện tử đang chuyển dần sang một giai đoạn mới mà nhân tố quan trọng nhất là thông tin. Tương lai của CPĐT sẽ là một hệ thống mới xoay quanh việc hình thành, chia sẻ và luân chuyển của các luồng thông tin trong nội bộ các cơ quan Chính phủ cũng như giữa Chính phủ với người dân và các DN. Có thể coi đây là một hệ thống “mở” về thông tin. Trong hệ thống này, thông tin sẽ được lưu chuyển rộng rãi trên mạng và được chọn lọc để sử dụng một cách hiệu quả nhất tùy vào người và mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, như với bất kỳ một hệ thống “mở” nào, hệ thống thông tin này gắn liền với những thách thức về quản lý, công nghệ, đầu tư và đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải lường trước được sự phức tạp nảy sinh từ thực tế, từ đó, có biện pháp quản lý phù hợp.

Theo Bộ TT&TT, việc triển khai ứng dụng hệ thống thư điện tử cho cán bộ, công chức trên cả nước tính đến hết năm 2008 như sau: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: có 80% cán bộ được cung cấp hộp thư điện tử công vụ, nhưng chỉ 47% thường xuyên sử dụng và chỉ có 21% Bộ, cơ quan ngang Bộ ứng dụng thành công CNTT trong quản lý.

Ở địa phương: chỉ có 43% cán bộ, công chức được cấp hộp thư công vụ nhưng chỉ có 24% trong số này thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử. 80% công chức các Bộ được trang bị máy tính; các tỉnh là 60%.

Tỷ lệ tổ chức họp theo hình thức trực tuyến đối với các Bộ, ngành là 63%, các địa phương là 38%.

Hiện còn 2 Bộ chưa xây dựng Cổng TTĐT là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; 3 địa phương chưa có trang tin điện tử là Hòa Bình, Ninh Bình và Đắk Nông.

Những kinh nghiệm từ ứng dụng CNTT tại các địa phương thời gian qua cho thấy, cần phải tìm hiểu nhu cầu của người dân, của DN trước khi thực hiện “tin học hóa” các thủ tục hành chính để cho các dịch vụ này đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đào tạo nhân lực CNTT: Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT sau 7 năm nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, ngành CNTT thế giới sẽ có những sự thay đổi rất nhanh chóng. Ngành CNTT nói chung và CNPM chắc chắn là lợi thế của Việt Nam trong tương lai. CNTT rất phù hợp với tố chất của con người Việt Nam vốn sáng tạo và thông minh. Vì vậy trong thời gian tới Bộ GD-ĐT và Bộ TT&TT sẽ phải phác họa chính xác bức tranh về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, sớm nghiên cứu thành lập một đơn vị đầu mối đủ mạnh để chuyên thực hiện việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng đòi hỏi rất lớn của ngành CNTT trong thời gian tới.

Năm 2008, ngành CNTT Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Tổng doanh thu đạt 4,74 tỷ USD, mức tăng trưởng bình quân 49% (trong đó phần cứng là 19%, phần mềm và dịch vụ tăng trưởng 87%). Tổng nhân lực toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT ở nước ta khoảng 30.000 người, năng suất bình quân đạt 11.000 USD/người/năm.

Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Các trường đại học đều sẵn sàng tham gia đào tạo CNTT, đặc biệt là nhu cầu các DN trong và ngoài nước đều rất cần nguồn nhân lực này. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT cần nhanh chóng có phương án giải quyết vấn đề cung cấp nhân lực để ngành CNTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cần sát sao, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ với những ý tưởng sáng tạo, để trong 3 năm tới, chúng ta đạt được kết quả tốt hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm sau 7 năm nữa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đồng thời đưa ngành CNPM và các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của nền kinh tế.

Theo các báo cáo tại Hội thảo, ngành CNPM và CNTT ở nước ta chỉ đóng góp 0,5% trong GDP; có tới 70% DN quy mô rất nhỏ (dưới 10 người, số vốn dưới 1 tỷ đồng); đa số hoạt động tự phát, chưa tạo ra những định hướng sáng tạo, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường KPMG: Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã lọt vào top 30 thế giới (Canada đứng đầu với 33 điểm, Việt Nam xếp hạng 28 với 9 điểm). Về tốc độ phát triển Internet, Việt Nam hiện đứng thứ 18 thế giới, thứ 6 châu Á với 21 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 2015 dự kiến Việt Nam sẽ có 600.000 chuyên gia về CNTT, năm 2020 con số này sẽ là 1 triệu người.

(Tổng hợp theo Cổng TTĐT chính phủ)
(Nguồn: VietnamNet)

http://www.hca.org.vn/tin_tuc/hd_hoi/nam2009/thang7/cnttmanhsau7namnua

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng truyền thông điệp tại WITFOR 2009

Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới, Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, xây dựng, triển khai và khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực đời sống, tạo ra một thị trường CNTT năng động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã truyền thông điệp đó khi phát biểu khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR 2009) tổ chức tại Hà Nội, sáng 26/8/2009.

* Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới - Ảnh Chinhphu.vn

Dự Diễn đàn có gần 1.500 đại biểu là Bộ trưởng phụ trách CNTT, Bộ trưởng các ngành mà CNTT đóng vai trò quan trọng như hàng không, tài chính; lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học đến từ hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và nước chủ nhà Việt Nam tham dự.

CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, CNTT đặc biệt là Internet đã làm cho thế giới ngày càng gần gũi hơn, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời CNTT cũng tạo thêm nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam coi CNTT và truyền thông là một công cụ quan trọng hàng đầu, là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Năm 2008, doanh thu của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng Internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức độ cao, góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất-tinh thần của người dân, đẩy nhanh sự hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Thủ tướng cho biết: Việt Nam đang xây dựng chiến lược tăng tốc để sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các ngành kinh tế-xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đông đảo và có chất lượng cao. Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước và cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh Diễn đàn WITFOR 2009 - Ảnh Chinhphu.vn

Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao việc Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới lần này đã lựa chọn chủ đề "Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững" và cho rằng, chủ đề này có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đề ra.

Diễn đàn còn là cơ hội để thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững trong đó có phát triển nông nghiệp và nông thôn, cơ sở hạ tầng truyền thông, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, môi trường, Chính phủ điện tử, cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ, mô hình hợp tác về công nghệ thông tin, việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo và khủng hoảng kinh tế toàn cầu,…

Thủ tướng hy vọng, thông qua Diễn đàn này, sẽ đưa ra các sáng kiến, các chương trình hợp tác và các giải pháp chung cho các nước đang phát triển, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng công nghệ mới phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững và tin tưởng CNTT sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, sự phồn vinh và thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới.

Thông điệp của Việt Nam

Các đại biểu tham dự Diễn đàn WITFOR 2009 - Ảnh Chinhphu.vn

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển đến các vị đại biểu thông điệp: Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, xây dựng, triển khai và khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và tạo ra một thị trường CNTT năng động; doanh nghiệp CNTT Việt Nam là những đối tác tin cậy, mong muốn hợp tác với nước ngoài trong các dự án kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin của mình.

WITFOR 2009 diễn ra từ 26-28/8 sẽ bao gồm 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song của 8 Ủy ban chuyên môn với các chủ đề: Vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT, CNTT vì sự phát triển bền vững, vai trò của phụ nữ đối với phát triển CNTT, phần mềm nguồn mở, các đóng góp của doanh nghiệp trong ngành CNTT, kinh nghiệm điển hình của một số nước về chính sách phát triển, hợp tác nhà nước - tư nhân và các khuyến nghị về chính sách.

Bên lề WITFOR còn có các hoạt động: Chương trình Đối thoại “CNTT – Đánh giá đa chiều” với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành, tập đoàn CNTT trong và ngoài nước, Chương trình “Máy tính cho cuộc sống” nhằm gây dựng quỹ máy tính cho người dân nghèo thông qua hình thức vận động, quyên góp từ các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm cả trong và ngoài nước.

Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) được tổ chức theo sáng kiến của Liên Hiệp Quốc tế về Khoa học Công nghệ thông tin (IFIP) từ năm 2003 tại Vilnius (Lithuania); tiếp đó là Gaborone (Botswana) năm 2005; Addis Ababa (Ethiopia) năm 2007. WITFOR 2009 lần đầu tiên tổ chức tại một nước châu Á là Việt Nam từ 26-28/10/2009. Chủ đề của WITFOR 2009 là “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”. WITFOR 2009 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển CNTT của Việt Nam và tạo cơ hội giao thương, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNTT trong khu vực và quốc tế.


Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) được tổ chức theo sáng kiến của Liên Hiệp Quốc tế về Khoa học Công nghệ thông tin (IFIP) từ năm 2003 tại Vilnius (Lithuania); tiếp đó là Gaborone (Botswana) năm 2005; Addis Ababa (Ethiopia) năm 2007. WITFOR 2009 lần đầu tiên tổ chức tại một nước châu Á là Việt Nam từ 26-28/10/2009. Chủ đề của WITFOR 2009 là “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”. WITFOR 2009 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển CNTT của Việt Nam và tạo cơ hội giao thương, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNTT trong khu vực và quốc tế.


Việt Đông
Ảnh: Nhật Bắc
(Nguồn: Chinhphu.vn)

http://www.hca.org.vn/tin_tuc/hd_hoi/nam2009/thang8/truyenthongdieptaiwitfor?b_start:int=20

Triển lãm hàng Điện tử và CNTT lần đầu tiên tại Việt Nam

Sáng ngày 7/8/2009, Hội tin học Tp HCM (HCA) đã tổ chức buổi Họp báo công bố sự kiện Hội chợ Triển lãm Hàng Điện tử và Công nghệ Thông tin 2009 (FECIT 2009) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.



Đây là sự kiện nằm trong kế hoạch chương trình hoạt động của Thành phố HCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền thông - Điện tử dân dụng có cơ hội tham gia, tiếp cận với các khách hàng tiềm năng cũng như quảng bá sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới trên thị trường với các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

Dự kiến, sự kiện sẽ được tổ chức hàng năm vào giữa tháng 10 để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Điện tử, phần cứng, phần mềm, Viễn thông, Internet, game… có dịp tụ hội về triển lãm và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các công nghệ, giải pháp mới và cùng giúp nhau đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhất là trong thời kỳ nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục hiện nay.

Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 15-18/10/2009 tại nhà thi đấu Phú Thọ (Tp HCM) với diện tích triển lãm là 8,000m2, trên 150 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn dành diện tích đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (những doanh nghiệp chưa có điều kiện giới thiệu thương hiệu ở các cuộc triển lãm qui mô lớn).

Bên cạnh đó, tại đây sinh viên và người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm công nghệ mới với giá chỉ bằng 80% đến 50% giá bán trên thị trường. Hơn nữa, Ban Tổ chức còn bố trí một khu vực dành riêng cho những người yêu thích chụp ảnh (Photo Corner) với hơn 10 gian hàng Digital Photo trưng bày các thiết bị và phụ tùng của ngành nhiếp ảnh để thử tài sáng tác ảnh tại chỗ cùng với các công nghệ mới, hiện đại của các hãng lớn như Canon, Sony, Nikon, Olympus, Panasonic, Epson… với những giải thưởng cực kỳ hấp dẫn. Sự kiện hứa hẹn sẽ thu hút được khoảng 30 nghìn lượt khách tham quan.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức còn tổ chức "Ngày hội việc làm" với mục đích hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên khi học và chuẩn bị ra trường; khởi nghiệp cho các em cũng như tạo cơ hội cho các em tìm kiếm các vị trí việc làm mới.

Hà Bùi
(Nguồn: VnMedia)

http://www.hca.org.vn/tin_tuc/hd_hoi/nam2009/thang8/fecitlandautien

HCA họp báo giới thiệu sự kiện FECIT 2009 - HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN 2009 - LẦN THỨ I

Ngày 7/8/2009, Hội tin học TP.HCM (HCA) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu sự kiện FECIT 2009 - HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN 2009 - LẦN THỨ I tại K/S Sofitel Plaza TP.HCM. Tham dự buối lễ có Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HCA cùng đại diện các doanh nghiệp CNTT-TT, Điện tử TP.HCM và đông đảo giới báo chí tham dự.

Được sự bảo trợ của Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh và Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh, Hội Tin Học Tp.HCM (HCA) dưới sự phối hợp thực hiện của Công ty TNHH Tư vấn Hỗ trợ CNTT – Hội Tin Học Tp.HCM (ITP Co., Ltd.) và Công ty TriStar Event tổ chức sự kiện Hội chợ Triển lãm Hàng Điện tử và Công nghệ Thông tin 2009, tên tiếng anh Fair of Electronics Communication Information Technology 2009 (viết tắt FECIT 2009) từ ngày 15-18/10/2009 tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Phú Thọ - 221 Lý Thường Kiệt, Quận 11, Tp.HCM. Đây là lần đầu tiên sự kiện FECIT được tổ chức và sẽ được tổ chức thường niên vào giữa tháng 10. Hội chợ Triển lãm này được tổ chức với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có cơ hội giới thiệu các công nghệ mới, thiết bị điện hội tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Điện tử, phần cứng, phần mềm, Viễn thông, Internet, game…

Đây là Hội chợ Triển lãm được tổ chức nằm trong kế hoạch chương trình hoạt động của Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền thông - Điện tử dân dụng có cơ hội tham gia, tiếp cận với các khách hàng tiềm năng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới trên thị trường cùng với các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là một trong những chương trình để doanh nghiệp đẩy mạnh, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong tình hình ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục.

Hội chợ Triển lãm FECIT 2009 tại Nhà Thi Đấu Phú Thọ từ ngày 15 dến 18 tháng 10 năm 2009 mang nhiều dấu ấn Hội chợ, dành diện tích đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp chưa có điều kiện giới thiệu thương hiệu ở các cuộc triển lãm qui mô lớn. Ngoài ra trong thời gian này cũng là ngày hội của những người tiêu dùng, nơi có thể mua được những sản phẩm công nghệ mới với giá rẻ hơn giá thị trường từ 20% đến 50%, ngày hội của giới sinh viên học sinh, giới yêu thích sản phẩm kỹ thuật số.

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRONG SỰ KIỆN FECIT 2009
1. Hội chợ Triển lãm (từ ngày 15-18/10/2009): với 8,000m2, khoảng trên 150 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm phần cứng, Phần mềm, Điện tử dân dụng, Game… Hội chợ Triển lãm FECIT 2009 sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các câu Lạc Bộ của Hội Tin Học Tp.HCM như: CLB Bán lẻ ICT (ICT Reseller Club), Câu Lạc Bộ các Doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam Hàng đầu (Top ICT Companies Club), CLB Nhiếp ảnh Hội Tin Học Tp.HCM (HCA Photo Club) và hai CLB thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam là CLB Doanh nghiệp Sản xuất Máy tính Việt Nam (VCM Club) và Câu lạc bộ các nhà phân phối ICT ( ICT Distributor Club). Đây là hội chợ triển lãm sẽ trưng bày và bán sản phẩm CNTT-TT và Điện tử dân dụng công nghệ mới với giá ưu đãi nhất từ trước đến nay theo chương trình giờ vàng diễn ra liên tục trong 4 ngày triển lãm (giảm từ 25% - 50%) cho nhiều loại sản phẩm. Chương trình giờ vàng được các hãng lớn như Gigabyte, Asus, Kingston, Kingmax, Samsung, LG, HP, CMS, Tiến Đạt… hỗ trợ cho các đại lý tham gia triển lãm FECIT 2009 thực hiện (các sản phẩm như màn hình LCD, laptop, máy in,….), chương trình giờ vàng chi tiết sẽ được Ban Tổ chức thông tin chi tiết qua các phương tiện báo chí, vé mời triển lãm, tài liệu quảng cáo sự kiện, website: www.hca.org.vn. Bên cạnh đó, một điểm rất mới của hội chợ triển lãm lần này là Ban Tổ Chức sẽ bố trí một khu vực dành riêng cho các bạn yêu thích chụp ảnh (Photo Corner) với hơn 10 gian hàng Digital Photo trưng bày các thiết bị và phụ tùng của ngành nhiếp ảnh để thử tài sáng tác ảnh tại chỗ cùng với các công nghệ mới, hiện đại của các hãng lớn như Canon, Sony, Nikon, Olympus, Panasonic, Epson… với những giải thưởng cực kỳ hấp dẫn.

FECIT 2009 là Hội chợ Triển lãm mang rõ sắc thái hội chợ dành cho người tiêu dùng, người tham quan hội chợ sẽ mua được các sản phẩm kỹ thuật mới với các giá khuyến mãi thấp có thể chỉ bằng 50% giá thị trường. Hội chợ Triển lãm FECIT 2009 kỳ vọng sẽ thu hút được 30,000 lượt khách tham quan.

FECIT 2009 cũng được sự ủng hộ và bảo trợ thông tin của các báo đài trong và ngoài ngành nhằm quảng bá & giới thiệu sự kiện rộng rãi đến người tiêu dùng: Tạp chí Thế Giới Vi Tính – PCW World Việt Nam, Tin học & Đời Sống, Thế Giới Số, Tạp chí Thương Mại, báo Đầu Tư / VIR, Đài truyền hình Infor TV….,

2. Ngày hội việc làm (ngày 17 & 18/10/2009):
- Tổ chức thuyết trình hướng dẫn, rèn luyện các kỹ năng cho sinh viên khi trong khi học, chuẩn bị ra trường, khởi nghiệp.
- Ngày hội tuyển dụng việc làm cho sinh viên mới ra trường hay những người muốn có cơ hội làm việc ở vị trí mới.

3. Hội thảo giới thiệu những sản phẩm, giải pháp công nghệ mới (16&17/10/2009): các đơn vị tham gia triển lãm có cơ hội được giới thiệu những sản phẩm, công nghệ, giải pháp mới tại hội chợ triển lãm trong hai ngày 16 và 17/10/2009.

VAI TRÒ CỦA CÁC CÂU LẠC BỘ IT TRONG FECIT 2009
Hội chợ và Triển lãm này là tập hợp lực lượng của nhiều câu lạc bộ IT hỗ trợ trực tiếp

1. Câu lạc bộ các Doanh nghiệp IT hàng đầu Việt Nam (Top Vietnam ICT Companies Club) bảo trợ trong việc tổ chức.
2. Câu lạc bộ các Doanh nghiệp bán lẻ ICT (ICT Reseller Club) sẽ là nòng cốt trong việc tham gia bán hàng giảm giá trong giờ vàng,
3. Câu lạc bộ Nhiếp Ảnh Hội Tin học Tp.HCM (HCA Photo Club) tham gia tổ chức gian hàng nhiếp ảnh và là nhà tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh.
4. Câu lạc bộ các Doanh nghiệp sản xuất máy tình Việt Nam (VCM Club) tham gia trưng bày sản phẩm mới và bán hàng giảm giá.
5. Câu lạc bộ Các doanh nghiệp phân phối ICT (ICT Ditributor Club) tham gia cung ứng hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia với giá khuyến mãi hấp dẫn.
6. Câu lạc bộ Phóng viên CNTT-VT Tp.HCM (HCMC ICT Press Club) tham gia truyền thông quảng bá cho Hội chợ triển lãm FECIT 2009.


Một số hình tại buổi họp báo:








Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HCA - Phát biểu khai mạc

Ông Phạm Thiện Nghệ - Tổng Thư ký HCA - Phát biểu giới thiệu FECIT 2009

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - Phát biểu ý kiến về việc hỗ trợ tổ chức FECIT 2009

Ông Lê Hoàng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Viễn Sơn, Đại diện Ban Chủ nhiệm CLB các Doanh nghiệp CNTT -TT Việt Nam hàng đầu - Phát biểu công tác chuẩn bị Chương trình giờ vàng trong Hội chợ Triễn lãm FECIT 2009

Phát Ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Tập đoàn CMC phía Nam - phát biểu công tác chuẩn bị Ngày hội việc làm trong Hội chợ Triển lãm FECIT 2009

PHẦN HỎI - ĐÁP

Từ phải qua: Ông Phạm Thiện Nghệ, Ông Chu Tiến Dũng, Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Lê Hoàng Sơn, Ông Nguyễn Phúc Tuấn - Giám đốc Công ty NOVA, Phó Chủ nhiệm ICT Resseler Club.



http://www.hca.org.vn/tin_tuc/hd_hoi/nam2009/thang8/hopbaofecit2009

Vietnam’s ICT outlook brightens

01:45' 16/07/2008 (GMT+7)
Mr. Le Truong Tung


VietNamNet – Almost all indexes of Vietnam in the world ICT 2008 ranking increased by 3.0, bringing the country into the middle of the ranking list, a considerable advance for Vietnam’s ICT industry, said Deputy Chairman of the Vietnam Association for Information Processing (VAIP), Dr Le Truong Tung.


Mr. Le Truong Tung




The Vietnam ICT Outlook 2008 report released on Tuesday, July 15, 2008, in HCM City showed that the World Bank rated Vietnam’s Knowledge Index (KI) and Knowledge Economy Index (KEI) at 3.17 and 3.27 respectively, ranking 96 out of 140 countries.